Nắng nóng gay gắt kéo dài trong tháng 7 khiến miền Trung tái phát nguy cơ cháy rừng. Ảnh: Minh Thùy
Trước đó gần trọn tháng 6, người dân miền Trung cũng hứng chịu đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiều kỷ lục nhiệt độ bị xô đổ, chẳng hạn trưa 22/6 tại Con Cuông, nhiệt độ trong lều khí tượng là 43,3 độ, Quỳ Hợp (Nghệ An) là 43 độ. Trước đó mức nhiệt 43,4 độ tại Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 20/4/2019 là kỷ lục nắng nóng nhất lịch sử Việt Nam, lại xảy ra trong tháng giao mùa, cho thấy sự bất thường của thời tiết.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, lúc này chưa thể khẳng định miền Trung đang phải trải qua mùa hè nắng nóng nhất lịch sử hay không. Tuy nhiên có thể nhận định, trong thập niên này, nhiều kỷ lục về nhiệt độ đã được thiết lập, xu thế chung là nhiệt độ gia tăng hơn qua mỗi năm.
Trên thế giới nhiều khu vực cũng đang trải qua mùa hè nắng nóng kỷ lục.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, cùng với biến đổi khí hậu, xu hướng nóng lên toàn cầu, những kỷ lục nhiệt độ có thể liên tiếp bị xô đổ. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó và miền Trung được ghi nhận là nơi nắng nóng nhất Việt Nam.
Về đợt nắng nóng hiện tại, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia dự báo, khoảng ngày 30-31/7, tức giữa tuần sau, khu vực miền Trung có thể xuất hiện một đợt mưa, chấm dứt nắng nóng gay gắt kéo dài.
Hà Tĩnh: Nơm nớp lo cháy rừng
Ngày 23/7, trao đổi với PV Tiền Phong, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn cho biết, báo động cháy rừng hiện đang ở mức cao. Trong hơn một tháng qua, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 16 vụ cháy rừng nghiêm trọng, thiệt hại trên 160 ha rừng không thể phục hồi. “Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với các chủ rừng, chính quyền địa phương… tổ chức tuần tra 24/24 tại các khu rừng. Nguy cơ cháy rừng trở lại đang rất cao vì càng gần cuối tháng 7 gió Lào thổi mạnh hơn, các lớp thực bì sau hơn 2 tháng không có mưa đã khô khốc”, ông Huấn nói.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho rằng cần phải có nguồn kinh phí để tổ chức mở các đường băng cản lửa. “Chúng tôi đang đề xuất xin kinh phí để tổ chức soát xét mở các đường băng cản lửa, tách các khu rừng riêng biệt để khi có đám cháy xảy ra lực lượng chức năng dễ khống chế. Đây là phương án cho hiệu quả lâu dài nhưng lâu nay không có kinh phí để thực hiện”.
Hoài Nam - Minh Thùy
Theo tienphong.vn