Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. (Ảnh: Tống Minh)

Trả lời về hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có cuộc trao đổi với phóng viên.

Phóng viên (PV): Đợt nắng nóng đang diễn ra ở Trung Bộ có phải là kỷ lục về số ngày nắng nóng ở khu vực này cũng như số điểm đo đạt kỷ lục nắng nóng. Nhiệt độ 43,3 độ đo tại Con Cuông (Nghệ An) ngày 22/6 có phải là một kỷ lục của ngành khí tượng Việt Nam?

Nguyễn Văn Hưởng: Đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 3/6 tới giờ là một đợt nắng nóng dài. Xét về thời gian kéo dài thì có thể nói năm 2019, đợt nắng nóng này (kéo dài từ ngày 3/6 tới đến ngày 27/6) đã là 25 ngày liên tiếp. Như vậy, nó chỉ kém đợt nắng nóng kéo dài của năm 2014 vài ngày (năm 2014 có 2 đợt đợt nắng nóng kéo dài: đợt 32 ngày, từ 9/5/2014-10/6/2014 và đợt 39 ngày từ 14/5-21/6/2015).

Cùng với đó, cường độ của đợt nắng nóng năm nay cũng khá là gay gắt, nền nhiệt ở nhiều nơi đã vượt mức lịch sử trong tháng 6, như ở Con Cuông (Nghệ An) ngày 22/6 là 43.3 độ; Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 22/6 là 42.1; Tuyên Hóa (Quảng Bình) ngày 22/6 là 41.6 độ; Đô Lương (Nghệ An) ngày 22/6 là 41.0 độ. Đặc biệt tại Quỳ Hợp (Nghệ An) ngày 22/6 là 43.0 độ và cũng là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước tới giờ ở Quỳ Hợp. Với giá trị nhiệt 43,3 độ xảy ra tại Con Cuông (Nghệ An) ngày 22/6 chưa phải là mức nhiệt kỷ lục cao nhất của ngành khí tượng thủy văn. Mức nhiệt 43,4 độ xảy ra tại Hương Khê (Hà Tĩnh) vào ngày 20/4 mới là mức nhiệt cao kỷ lục của ngành khí tượng thủy văn .

PV: Ông có thể cho biết nguyên nhân đợt nắng nóng đang diễn ra ở Trung Bộ và dự báo đợt nắng nóng này bao giờ kết thúc?

Nguyễn Văn Hưởng: Nguyên nhân chính của nắng nóng thì vẫn là do thấp nóng phía Tây và hiệu ứng gió phơn mạnh, dưới tác động của thấp nóng và gió phơn từ ngày 3/6 tới giờ ở các tỉnh miền Trung đã liên tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng.

Theo dự báo của chúng tôi, nắng nóng ở miền Bắc sẽ còn kéo dài liên tục từ nay đến khoảng ngày 29/6, sau đó sẽ giảm dần. Tại các tỉnh miền Trung nắng nóng tiếp tục kéo dài đến hết tháng 6. Chúng tôi dự báo khoảng những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2019 một rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam sẽ hình thành, từ ngày 30/6 trở đi nó sẽ gây mưa dông ở Bắc Bộ và giúp cho miền Bắc chấm dứt nắng nóng và cũng chính rãnh áp thấp này sẽ làm thấp nóng phía Tây - nguyên nhân gây ra nắng nóng ở miền Trung suy yếu. Vì thế theo nhận định của chúng tôi thì nhiều khả năng khoảng đầu tháng 7 thì nắng nóng ở miền Trung sẽ có cơ hội chấm dứt.

PV: Mùa hè năm nay được dự báo là nóng nhất trong lịch sử. Số liệu về nhiệt độ tính đến thời điểm này so với cùng kỳ như thế nào? Số liệu đó có thể hiện đây là mùa hè nóng nhất trong lịch sử như dự báo?

Nguyễn Văn Hưởng: Theo kết quả giám sát nhiệt độ toàn cầu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (National Aeronautics and Space Administration-viết tắt là NASA), thì năm nay cũng là một trong những năm nóng.

Như vậy có thể nói rằng thông tin nóng nhất trong lịch sử là chưa hoàn toàn chính xác, nếu so sánh với các năm kỷ lục là năm 2016 và năm 2017.

Tuy nhiên có thể đưa ra một thông tin minh chứng rằng trong thập niên này nhiều giá trị kỷ lục về nhiệt độ đã quan sát được hoặc nói cách khác càng ngày nhiệt độ càng có xu hướng gia tăng hơn.

PVDự báo tình hình nắng nóng và mưa bão từ nay cho đến hết mùa như thế nào thưa ông?

Nguyễn Văn Hưởng: Mùa bão ở nước ta thường bắt đầu vào tháng 6, tuy nhiên đến năm nay (2019) đến hết tháng 6 rồi nhưng vẫn chưa có bão hoặc áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông. Như vậy, mùa bão năm nay thực sự đã đến muộn so với trung bình hàng năm như chúng tôi đã dự báo từ đầu năm 2019.

Về số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trong năm 2019, sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Từ tháng 7 đến tháng 8/2019, có khả năng xuất hiện một số nhiễu động và hoàn lưu xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc; sau đó, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông dự báo thấp hơn so với trung bình nhiều năm nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quĩ đạo phức tạp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Báo TN&MT