Theo Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Nghệ An thì hiện lưu vực sông Cả có khoảng 30% diện tích nằm trên lãnh thổ nước bạn Lào, nhưng việc theo dõi khí hậu, thời tiết trên đất bạn chưa nắm bắt được. Đây là một bất cập khiến cho việc theo dõi lũ ở Lào về thượng nguồn sông Cả chưa chủ động. Khi lũ về đến Việt Nam thì các phương án ứng phó không kịp, đã muộn.
Thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ trên 4.200m3/s do lượng nước dồn về từ phía thượng nguồn bên nước bạn Lào
Điều này lý giải vì sao huyện Kỳ Sơn, Tương Dương luôn phải chạy theo lũ và lũ dồn dập "trở tay" không kịp. Việc xả lũ của các nhà máy thủy điện ở Tương Dương, Con Cuông cũng vậy, phụ thuộc vào dự báo thời tiết, mực nước nhưng do chưa thể theo dõi chính xác được lượng nước lũ từ Lào về nên khá bị động dù đã có quy trình. Điều này gây ra nhiều thiệt hại lớn cho vùng hạ du khi vận hành xả lũ.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An cho biết hiện đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng một rađa theo dõi thời tiết đặt ở huyện biên giới Kỳ Sơn để theo dõi lũ về trên sông Cả...
Nhiều vùng hạ du sông Cả bị ngập nặng, thiệt hại lớn dù không có mưa
Theo ông Nguyễn Văn Lượng - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Băc Trung bộ, cho biết: “Hiện chúng ta không có hệ thống dự báo thời tiết ở lưu vực sông Cả phía nước bạn Lào nên khu vực trên là “trắng” số liệu dự báo về khí tượng và thủy văn. Vấn đề này cả tỉnh Nghệ An và cả Đài đều đã rất nhiều lần kiến nghị với cấp trên hỗ trợ đầu tư xây dựng ra đa dự báo nhưng kinh phí rất lớn (nếu là ra đa của Nhật giá khoảng 250 tỷ đồng) nên hiện nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Mong sao cấp trên cần sớm đầu tư hỗ trợ thiết bị cho Đài càng sớm càng tốt”. Cũng theo ông Lượng, việc không có hệ thống dự báo như hiện nay là rất khó khăn cho phía Đài cũng như kéo theo rất nhiều hệ lụy khi mưa lũ xảy ra ở phía nước bạn Lào.
Được biết, đợt mưa lũ kéo dài trong tháng 8/2018 vừa qua đã gây nên thiệt hại nặng nề cho miền Tây Nghệ An, ước tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.
Nguồn: Báo TN&MT