Nghệ An: Cần kiểm soát chặt chẽ quy trình xả lũ các Nhà máy thủy điện

Đăng ngày: 04-09-2018 | Lượt xem: 692
(TN&MT) – Ngày 03/9, ông Đình Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi thị sát và làm việc với 2 huyện Tương Dương và Con Cuông liên quan đến vấn đề ngập lụt những ngày qua....

Trong 2 ngày 30 và 31/8, mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về kèm theo đó là việc xả lũ trên địa bàn huyện Tương Dương đã làm ảnh hưởng hơn 260 ngôi  nhà, trong đó 10 nhà bị sập, 13 nhà bị cuối trôi, 23 nhà phải di dời khẩn cấp, trên 170 nhà bị ngập, 45 nhà bị sạt lở và hư hỏng. Nhiều điểm trên các tuyến  quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị ngập sâu; cầu treo dân sinh bị hư hỏng; 3 điểm trường, trụ sở làm việc của UBND xã và nhiều công trình phúc lợi bị ngập trên 1m và nhiều ha lúa, hoa màu bị ngập, nhiều lồng cá, gia cầm bị cuốn trôi.
 

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ lưu lượng lón

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ lưu lượng lón

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Tương Dương yêu cầu các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư nhà máy thủy điện Khe Bố, thủy điện Bản Vẽ làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc xả lũ, vận hành liên hồ, cắm lại mốc ngập lũ của các lòng hồ đã đúng quy trình, thời gian hay chưa để có phương án phòng tránh thiệt hại cũng như đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ lưu. Huyện Tương Dương cũng mong muốn có những chính sách hỗ trợ, bồi thường cho nhân dân, bởi bà con bị thiệt hại quá nặng nề do lũ thượng nguồn và thủy điện xã lũ nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn. Kết luận buổi làm việc
 

Nước sông dâng rất cao

Nước sông dâng rất cao

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đề nghị: các sở ban ngành, các nhà máy thủy điện cần làm rõ nguyên nhân gây ngập lụt và có chính sách hỗ trở kịp thời cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng; Huyện tương Dương cần có văn bản, tờ trình di dời khẩn cấp 34 hộ dân đến nơi an toàn. Đồng thời đề nghị đài khí tượng thủy văn xây dựng bản đồ cho vùng hạ du và các nhà máy thủy điện khi có mưa bão thì cần có kế hoạch cắt giảm và xả lũ cho vùng hạ du phù hợp với lưu lượng nước về hồ chứa; nhằm giảm thiểu thiệt hại do xả lũ gây ra và đảm bảo an toàn đến tính mạng cho nhân dân vùng hạ du.

Chiều 03/9, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Con Cuông và nhà máy thủy điện Chi Khê, ông Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã rà soát quy trình vận hành hồ thủy điện và yêu cầu sớm nhanh chóng hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân.
 

Hạ du rất nhiều nơi bị ngập sâu

Hạ du rất nhiều nơi bị ngập sâu

Theo báo cáo, đất ở 2 bên bờ sông Lam đã bị sạt lở do các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Lam mở cửa xả nước (từ ngày 30/8 đến ngày 1/9). Ngoài ra, việc xả nước còn khiến nhiều nơi trên địa bàn huyện Con Cuông bị vùi lấp, ngập diện tích đất sản xuất nông nghiệp, ngập lụt các khu dân cư.
 

Trong đó nhà dân bị ngập 203 nhà và phải di dời 96 nhà; ngập lụt trường THCS Dân tộc nội trú Con Cuông và Trường Tiểu học Bồng Khê; sạt lở đất mố cầu treo Chôm Lôm với 10.000m3; tổng giá trị thiệt hại trên địa bàn huyện ước tính 15,2 tỷ đồng.
 

Đất đai hai bên bờ sông ở huyện Con Cuông bị sạt lở

Đất đai hai bên bờ sông ở huyện Con Cuông bị sạt lở

Tại buổi làm việc ông Đinh Viết Hồng đã đánh giá cao công tác triển khai, phát huy phương án 4 tại chỗ của huyện Con Cuông. Huyện đã kịp thời di dời, bảo vệ tài sản người dân, góp phần hạn chế hậu quả do mưa lũ gây ra. Đồng thời tiếp thu ý kiến về vấn đề chủ động trong công tác đề phòng, xả trước khi lũ về để hạn chết tối đa hệ quả do mưa lũ gây ra. Ngoài ra, ông Hồng cũng đã đặt ra yêu cầu cho lãnh đạo huyên Con Cuông:  tiến hành các công tác phòng chống dịch bênh và nhanh chóng ổn định cuộc sống nhân dân, đồng thời thống kê thiệt hại do mưa lũ.
 

Công tác khắc phục hậu quả lũ lụt được tiến hành khẩn trương trong mấy ngày qua

Công tác khắc phục hậu quả lũ lụt được tiến hành khẩn trương trong mấy ngày qua

Cũng trong cuộc họp, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh, các thủy điện rà soát lại quy trình vận hành liên hồ chứa để điều chỉnh những bất cập. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo thủy điện Chi Khê cùng với địa phương hỗ trợ cho nhân dân vùng ngập lụt.

Liên quan đến việc tung tin đồn thất thiệt thủy điện bị vỡ khiến hàng nghìn người dân hoảng loạn chạy lên núi. Các đối tượng đã bị công an triệu tập. Tất cả 6 đối tượng đều trú tại huyện Tương Dương, gồm: Vũ Văn Phúc, sinh năm 1988; Nguyễn Quang Trung, sinh năm 1991, trú tại Khối Hòa Trung, thị trấn Hòa Bình; Vi Thanh Định sinh năm 1997; Lô Bảo Ngọc, sinh năm 1999, trú tại bản Phòng, xã Thạch Giám; Phan Thị Trân, sinh năm 1982, trú tại bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng; Phan Duy Tùng, sinh năm 1987, trú tại bản Quang Yên, xã Tam Đình. Thông qua mạng xã hội Facebook, các đối tượng trên đã phát tán thông tin thủy điện bản Vẽ bị vỡ đập, khiến người dân lo sợ và hoảng loạn. Hiện công an huyện Tương Dương đang tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ để mở rộng điều tra.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: