Nghệ An: Tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ ở Kỳ Sơn

Đăng ngày: 05-09-2022 | Lượt xem: 1884
Đợt mưa lũ đêm ngày 4/9 đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân ở nhiều xã huyện Kỳ Sơn, hiện các đơn vị chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả.

Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại tại khu vực miền núi

Vào sáng nay 5/9, trao đổi với Báo Công Thương, ông Lang Thanh Lương - Chánh văn phòng ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, vào khoảng 20h20 đêm 4/9 mưa lớn cục bộ gây ra lũ ống tại tuyến khe Huồi Giảng đoạn bản Sơn Hà - Tà Cạ, Kỳ Sơn. Lũ ống đột ngột mang theo gốc cây to và đá lớn làm tắc cầu Hòa Sơn (từ Thị trấn Mường Xén vào bản Hòa Sơn - Tà Cạ), đã gây thiệt hại lớn đối với tài sản của người dân ở nhiều xã trên địa bàn. Nước từ khe, suối đổ về lớn gây ra lũ quét, nhiều nhà cửa bị cuốn, sập đổ, nhiều tuyến đường sạt lở khiến giao thông bị ách tắc.

 Mưa lớn đêm 4/9 tại huyện Kỳ Sơn, nhiều tuyến đường bị ảnh hưởng nặng nề

Mưa lớn đêm 4/9 tại huyện Kỳ Sơn, nhiều tuyến đường bị ảnh hưởng nặng nề

Phía ngoài thị trấn còn các tuyến 3 điểm Quốc lộ 7; bảo thắng - chiêu lưu; chiêu lưu - nậm càn, na ngoi, bị ảnh hưởng, tắc đường, một số hộ gia đình bị thiệt hại nhà, Ban chỉ đạo cấp huyện, xã đang xử lý sớm thông đường; thống kê thiệt hại...

Cũng theo ông Lang Thanh Lương, "Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện Kỳ Sơn đã kịp thời huy động phương tiện, lực lượng xử lý tình huống thiên tai, sau khoảng 30 phút đã thông hoàn toàn gần cầu, nước bắt đầu rút. Sự cố đã làm nước tràn trên mặt đường và tràn vào một số nhà dân. Chính quyền và nhân dân đang khắc phục dọn đất bùn sân nhà và ngoài đường. Rất may không gây thiệt hại về người...", ông Lương cho hay.

"Các xã nói trên đang mất điện lưới từ tối qua đến nay, do vậy, công tác báo cáo thống kê thiệt hại chưa kịp thời. Vì vậy, huyện vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại cụ thể từ các địa phương để báo cáo cấp trên. Đối với một số điểm bị ảnh hưởng ở thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ... huyện đã và đang chỉ đạo các địa phương tích cực khắc phục", ông Lang Thanh Lương chia sẻ.

Theo người dân địa phương, trước đây cũng đã chứng kiến nhiều trận lũ rồi nhưng chưa bao giờ thấy nước lũ đổ về nhanh và lớn như vậy. Cơn mưa lớn kéo dài gần 2 tiếng đã khiến một số nơi tại thị trấn Mường Xén và xã Tây Sơn bị ngập nặng.

Tại thị trấn Mường Xén, nước lũ đục ngầu chảy cuồn cuộn kéo theo đất đá, cây cối tràn xuống đường gây khó khăn cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông.

"Hiện, các xã đang thống kê thiệt hại nhà cửa, hoa màu và gia súc, gia cầm bị lũ cuốn vào đêm qua. Bước đầu ghi nhận, có nhiều ngôi nhà bị sập, hư hỏng hoàn toàn và một số hộ bị nghiêng đổ. Chúng tôi đang huy động lực lượng 4 tại chỗ để khắc phục, bảo vệ nhà cửa cũng như tài sản của nhân dân", ông Lang Thanh Lương thông tin.

Mưa lũ càn quét qua xã Bảo Nam, khiến nhiều căn nhà đổ sập

Mưa lũ càn quét qua xã Bảo Nam, khiến nhiều căn nhà đổ sập

Theo thống kê ban đầu của ủy ban nhân dân xã xã Hữu Kiêm huyện Kỳ Sơn, xã đã có gần 200 hộ dân ở 2 bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2 bị cô lập hoàn hoàn. "Sáng nay, xã đã cắt cử lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục sau mưa lũ những tuyến đường huyết mạch đi vào 2 bản bị sạt lở. Bước đầu ghi nhận, 4 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, có 2 điểm sụt lún trên tuyến QL7A thì 1 điểm đã khơi thông tuyến", lãnh đạo xã chia sẻ.

Còn tại xã Bảo Nam, mưa lũ đêm qua đã khiến nhiều nhà dân bị thiệt hại nặng nề, đã có 6 nhà dân bị đổ sập. Ngay trong đêm xã đã chủ động cảnh báo và di dời hơn 50 hộ dân ở bản Nam Tiến 1 và 2 lên chỗ an toàn. Dù lũ quét rất lớn nhưng may mắn không có thiệt hại về người.

Tại huyện Kỳ Sơn, hiện có trên 30 điểm sạt lở núi và trên 20 điểm xảy ra nguy cơ lũ quét, lũ ống, có khoảng gần 500 hộ ảnh hưởng vùng lũ quét, lũ ống thuộc các xã Tà Cạ, Phà Đánh, Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Keng Đu, Bắc Lý, Mỹ Lý…

Đáng lo ngại, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, mùa mưa lũ năm nay đến muộn. Theo dự báo xu thế khí hậu thủy văn từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023. Các huyện miền núi Nghệ An, nhiều nơi địa hình chia cắt, độ dốc lớn nên hiện tượng sạt lở thường xảy ra trong mùa mưa bão. Một số tuyến đường huyện, xã trọng yếu của khu vực miền núi Nghệ An thường xuyên bị sạt lở, ách tắc, có những nơi khối lượng đất, đá lên tới hàng nghìn m3 gây ách tắc giao thông cục bộ.

Vùng núi cũng thường xuyên phải gánh chịu những trận lũ quét, sạt lở đất bất ngờ đổ ập xuống trong đêm, cuốn trôi nhà cửa và tính mạng người dân, gây nên nhiều cái chết thương tâm.

Ứng phó với mưa lớn

Ban Chỉ đạo về Phòng chống thiên tai tỉnh Nghệ An ngay từ đầu tháng 8 có nhiều văn bản gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đề nghị ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi.

 Mưa lớn vào tối ngày 4/9 trên địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) gây lũ ống khiến nhiều nhà cửa của người dân bị thiệt hại.

Mưa lớn vào tối ngày 4/9 trên địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) gây lũ ống khiến nhiều nhà cửa của người dân bị thiệt hại.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhất là thiệt hại đáng tiếc về người, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai ở Nghệ An đã triển khai bố trí lực lượng kiểm soát, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các đập tràn, tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt, không để người và phương tiện đi qua.

Ngoài ra, các địa phương tổ chức quản lý, trông giữ, không để trẻ chơi đùa, đi lại tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, tăng cường thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa lũ bằng các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh... Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, hiện Nghệ An có 240 điểm cảnh báo nguy cơ lũ ống, lũ quét ở 25 xã của 6 huyện: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp với 2.124 hộ ...

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, để giảm thiểu nguy cơ do lũ ống, lũ quét gây ra. Nghệ An sẽ tập trung nguồn lực, từng bước bố trí, sắp xếp lại dân cư gắn với sinh kế các khu vực có nguy cơ lũ quét. Đặc biệt, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn xây dựng, bố trí chỗ ở an toàn cho các hộ dân bị ảnh hưởng lũ quét của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu...

Nghệ An từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt tăng mật độ hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại những khu vực dân cư sinh sống có nguy cơ cao về lũ quét, để cảnh báo kịp thời, phục vụ sơ tán dân cư. Phối hợp với nước bạn Lào để nắm bắt tình hình nước từ thượng nguồn đổ về, từ đó có phương án phòng tránh lũ quét ở các huyện giáp biên giới.

Hoàng Trinh

https://baomoi.com/nghe-an-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-do-mua-lu-o-ky-son/c/43638568.epi

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: