Nghệ An đối mặt với hạn hán khốc liệt

Đăng ngày: 27-06-2020 | Lượt xem: 2257
Nắng nóng khốc liệt kéo dài hơn một tháng nay kèm theo gió Lào thổi hun hút kéo dài đã khiến 4.000 ha lúa ở Nghệ An bị hạn, thiếu nước trầm trọng.

Hơn 115 ha lúa ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên bị khô hạn

Trên các cây trồng khác hạn hán cũng đang có diễn biến hết sức phức tạp, nhiều diện tích cây màu chưa thể gieo trồng. Hiện các địa phương đang gồng mình chống hạn, cứu cây trồng.

Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, do từ đầu năm đến nay, lượng mưa trung bình ít hơn so với cùng kỳ tới 50-150mm; trong lúc nắng nóng khốc liệt, nền nhiệt luôn ở mức 37-39 độ C; có hôm lên đến 40-42 độ C kéo dài trong nhiều ngày qua, suốt từ tháng 5 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại đã khiến việc gieo cấy lúa và cây trồng khác ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An không đạt kế hoạch đề ra.

Đã có khoảng 4.000ha lúa bị hạn, nhiều diện tích ngô bị cháy… Trong đó, Nghi Lộc gần 1.500ha, Hưng Nguyên 1.000ha. Chỉ cần một tuần nữa nếu không có mưa xảy ra thì diện tích lúa bị hạn ở Nghệ An có thể lên đến 10.000ha cùng nhiều diện tích cây trồng khác bị hư hỏng hay chết cháy.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên Hoàng Đức Ân cho biết, do nắng nóng khốc liệt, kéo dài hơn một tháng nay, đã khiến cho hệ thống nước trên sông Hoàng Cần, Kẻ Gai, kênh Lê Xuân Đào… đều cạn kiệt, 80% số máy bơm trên hệ thống thủy lợi này không thể hoạt động nên đã khiến 1.000ha lúa ở các xã Hưng Phúc, Hưng Tây, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam… bị hạn nặng.

Do hệ thống nước thủy lợi không có nên nhiều trạm bơm không có nước để bơm, hệ thống kênh dẫn khô rang.

Do nguồn nước cung cấp không đủ, nhiều trạm bơm chỉ hoạt động được 1/3 công suất và thời gian để bơm nước cứu lúa.

Ngay từ đầu năm tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động phòng chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh.

Trong đó, chỉ đạo các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, điều tiết xả nước cấp cho hạ du. Mở hết cửa lấy nước tại cống Mụ Bà, Nam Đàn để lấy nước vào hệ thống thủy lợi. Tiến hành đóng kín hệ thống cuối kênh như Bến Thủy, Nghi Quang… để ngăn xâm nhập mặn.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam đã phối hợp với địa phương tiến hành đắp đập, ngăn tạm sông Cấm, kênh Hạnh Phúc để ngăn mặn và nhất là giữ, tạo nguồn nước ngọt phục vụ các trạm bơm dọc sông Cấm, Khe cái, Kẻ Gai…phục vụ nước cho các huyện: Hưng Nguyên, Nghi Lộc đang bị hạn nặng.

Các địa phương cũng đã tiến hành nạo vét kênh tưới, kênh dẫn từ lòng hồ đến cống để bơm mực nước chết trong lòng hồ cũng như tận dụng mọi nguồn nước ao hồ, bàu biền, sông cụt… để lắp đặt trạm bơm dã chiến tưới cho vùng hạn.

Hồ nước rộng khoảng 5ha ở phía sau công ty gạch ngói Thành Công vốn là chỗ lấy đất làm gạch trước đây, bây giờ trở thành cứu cánh cho những xứ đồng ở xóm Đại Huệ và Phúc Điền, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Tại đây, xã Hưng Tây đã mượn máy bơm có công xuất 500m3/h của công ty gạch ngói Thành Công bơm nước chống hạn trong nhiều ngày qua.

Chính quyền xã Hưng Tây đã vận động nhân dân, tận dụng các nguồn nước sẵn có ở các ao hồ, bàu biền để dùng hơn 100 máy bơm mi ni vét, ép nước lên ruộng, cứu lúa.

Bất chấp nắng nóng hơn 40 độ C, cứ hễ nước về ruộng, các mẹ, các chị tranh thủ cấy dặm lại diện tích bị hư hỏng, cho dù hơi nước bốc lên ngùn ngụt, đe dọa sức khỏe mọi người.

Ngành nông nghiệp Nghệ An cũng khuyến cáo, chỉ đạo người dân tấp, tủ, che bóng; đào đắp các giếng nước, bể chứa và sử dụng mạng lưới bơm nhỏ, di động để tưới cho cam, chè, cây ăn quả…

Ở các vùng trọng điểm chè ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương hay vùng trọng điểm cam, cây ăn quả ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, khuyến cáo và hỗ trợ người dân tiến hành lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động...cho cây trồng vừa tiết kiêm nước vừa tránh ra nắng.

Đồng thời, rà soát những diện tích trộng lúa kém hiệu quả, không có đủ nước gieo cấy hay nước tưới suốt vụ chuyển đổi sang cây trồng khác.

Ngành điện chủ động ưu tiên nguồn điện phục vụ việc bơm nước sản xuất vụ Hè thu, hạn chế tối đa việc cắt điện, cắt điện luân phiên hệ thống trạm bơm thủy lợi.

Để phòng say nắng nóng có hại với sức khỏe, người dân đang chuyển dần việc thu hoạch, làm đất hay gieo trồng vào tối muộn hay sáng sớm để tránh nắng.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: