Người dân miền núi Quảng Nam thiếu nước sinh hoạt vì nắng hạn

Đăng ngày: 12-06-2019 | Lượt xem: 1177
Nắng hạn kéo dài khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam bị thiếu hụt nghiêm trọng. Ở nhiều thôn, bản, để có nước sinh hoạt, bà con phải trèo núi, lội rừng đi hàng cây số mới được gùi từng can nước về sử dụng…

Nằm ở đầu nguồn thủy điện Sông Tranh 2, nhưng từ tháng 3-2019 đến nay, nhiều hộ dân ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) lại rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân là do nắng hạn kéo dài. 

Chúng tôi đến nóc bà Huề (người đồng bằng gọi là xóm), thuộc thôn 4, xã Trà Bui, trong ngày đầu tháng 6 này và đã chứng kiến hơn 20 hộ dân ở đây phải dùng chung một ống nước tự chảy ở đầu làng, do các khe suối đã cạn khô. Vì ống nước tự chảy nhỏ, suối đầu nguồn đã cạn kiệt nên nước chảy về qua đường ống rất yếu. Các hộ gia đình phải cử người thay nhau suốt đêm canh lấy nước.  

Bà Nguyễn Thị Sót nói rằng, từ đầu năm đến nay trời mưa rất ít nên nước ở các khe suối xung quanh nóc đã bị cạn kiệt, khiến việc tìm kiếm nguồn nước sạch sinh hoạt rất khó khăn. Bà Sót và nhiều hộ dân trong nóc bây giờ đều phải dùng nước tự chảy, dù biết nguồn nước này không được sạch, vì dẫn về từ khe suối có nhiều người chăn thả trâu bò. “Các năm trước đều có hạn, thiếu nước sinh hoạt nhưng không đến sớm như năm nay. Nếu như thời gian tới trời không mưa thì chắc sẽ không có nước uống”, bà Sót thở dài.

 Theo ông Nguyễn Dương Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui, tình trạng nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều thôn thiếu nước sạch sinh hoạt, đặc biệt thôn 4 thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, một số nơi không có nước hoàn toàn. 

“Trước đây người dân dùng ống nhựa dẫn nước về dùng trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng đến nay hệ thống ống nước đã xuống cấp nên nguồn nước dẫn về bị thiếu hụt thêm. Hiện nay 50% mực nước ở các sông, suối trên địa bàn đã cạn kiệt. Trên địa bàn xã cũng có 8 công trình chứa nước sạch tự chảy nhưng đã có 6 công trình đã hư hỏng không thể phục vụ cho bà con. Thiếu nước sinh hoạt đang gây khó khăn cho người dân địa phương”, ông Thi bày tỏ.

Tương tự, rất nhiều hộ dân ở thôn Dung, thôn Pà Dấu 1, 2 (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) cũng trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và trông chờ nguồn nước dẫn về từ Khe Dung. Để có nước đưa về sử dụng, người dân kéo nhau lội rừng vào tận khu vực đầu nguồn khe suối, dùng đá ngăn dòng, bắt đường ống nhựa đưa nước về thôn Pà Dấu. 

Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, bà con phải dậy sớm để đi hứng nước đựng vào can nhựa (loại 20-30 lít), gùi từng can nước về dùng. Chị Brôl Thị Bưởi (người dân thôn Dung) cho hay, nắng nóng nên nước khe suối và sông Đăk Mi đã cạn trơ đáy. Nhiều người ra đào ao giữa lòng sông để lấy nước, song rồi nước cũng hết. Bây giờ dân làng phải chịu cảnh vất vả, trèo núi, lội rừng hơn 3 cây số mới tới nguồn nước Khe Dung gùi từng can về nhà dùng. 

“Ngày nào tôi cũng phải dậy từ sáng sớm lội lên thôn Pà Dấu 1 và mất buổi sáng mới đi được 3 chuyến gùi nước về cho gia đình sử dụng. Mỗi lần gùi khoảng 30 lít. Vất vả lắm nhưng mà còn phải nấu ăn, giặt giũ nên đành phải chịu khổ vậy”, chị Bưởi chia sẻ. Không chỉ lấy nước về sinh hoạt, để đỡ vất vả, nhiều người còn tranh thủ mang áo quần lên đường ống nước dẫn về thôn Pà Dấu giặt, tắm rửa. “Cố gắng tận dụng được chừng nào hay chừng ấy thôi chứ mang về nhà không đủ nước dùng mang đi lại khó khăn lắm”, chị Arất Thị Bôi, ở thôn Pà Dấu 2, tâm sự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Nam giang hiện nay có một Xí nghiệp Cấp thoát nước Nam Giang, thuộc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam, nhưng xí nghiệp này chỉ cấp nước cho một số khu vực gần nhà máy, những khu vực còn lại chủ yếu phụ thuộc vào dòng nước tự chảy. 

Không chỉ Nam Giang mà hiện nay hầu hết các khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, ngoại trừ khu vực thị trấn có nước máy thì đều sử dụng  nước tự chảy từ các khe suối. Các công trình nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn chương trình 134, 135 trước đây thì nay đã xuống cấp, hư hỏng.

Theo cand.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: