Sáng 27-4, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị.
Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cho biết xưa giờ cụm từ "phòng chống" được nói nhiều trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có phòng chống thiên tai.
Khi có thiên tai, chúng ta thường xúm nhau lại để chống đỡ, khắc phục nhưng khi thiên tai qua đi thì đôi lúc chúng ta lại lãng quên.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, "phòng" là phải tìm ra được giải pháp căn cơ, lâu dài để con cháu chúng ta trong tương lai được sống trong môi trường an toàn hơn trước thiên tai.
"Có lẽ tầm nhìn của chúng ta cần phải có một chiến lược dài hạn, trên nền tảng của những công nghệ mới như công nghệ về dự báo, công nghệ cảnh báo trượt lở từ sớm" - ông Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết: "Thông điệp mãi mãi, xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đâu đó ở mỗi địa phương cũng có lúc xem nhẹ hoặc có lúc nào đó có đánh đổi một chút hay không, là vấn đề để chúng ta cùng nhau suy nghĩ".
Ông Hoan cho biết, ông chia sẻ như vậy không có ý định phê bình địa phương nào mà muốn các địa phương cần tính toán giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, bởi nhiều khi chỉ thấy cái lợi ích ngắn hạn ở trước mắt nhưng tổn hại sau này thì không có gì bù đắp được.
"Chúng ta cần nhớ phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột là tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo đảm môi trường. Phát triển bền vững là thỏa mãn nhu cầu hôm nay nhưng không làm tổn hại đến nhu cầu của thế hệ kế tiếp" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021.
Dự báo lũ lớn sẽ tập trung trong các tháng 8, 9
Thông tin về tình hình thời tiết, thiên tai sắp tới, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết dự báo từ tháng 6 đến tháng 7-2021, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo.
Mùa bão năm nay nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong những tháng 8 và 9-2021 và ảnh hưởng đến các tỉnh Trung và Nam Trung bộ từ tháng 9 cho đến hết năm 2021.
"Dự báo số lượng xoáy thuận nhiệt đới trong năm 2021 hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm, tức là khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5-6 cơn" - ông Khiêm cho biết.
Ngoài ra, ông Khiêm cũng cho biết cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2021.
Đáng lưu ý, lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết diễn biến mưa lớn từ tháng 4 đến tháng 10-2021 có tổng lượng mưa xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, trong các tháng 4, 5, 8, 9 thì tổng lượng mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 10-20%. Trong đó, mưa lớn ở khu vực sẽ tập trung nhiều vào thời điểm tháng 6 đến tháng 9-2021, đề phòng mưa lớn cục bộ trong thời đoạn ngắn, nguy cơ cao gây lũ quét và sạt lở đất đá.
"Mùa mưa lũ năm 2021, đỉnh lũ trên các trên các lưu vực sông khu vực Bắc bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, riêng thượng lưu sông Thao có khả năng xuất hiện lũ ở mức BĐ2- BĐ3.
Các đợt lũ vừa và lũ lớn sẽ tập trung trong các tháng 8-9. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Nguồn nước từ tháng 5 đến tháng 12-2021 trên các lưu vực sông suối khu vực Bắc bộ phổ biến thiếu hụt từ 10-30%.
Dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên hệ thống sông Hồng trong mùa lũ năm 2021 thiếu hụt từ 10-20%. Đỉnh lũ lớn nhất năm đến các hồ chứa phổ biến ở mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm" - Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thông tin.
Theo Báo Pháp luật