Hồ thủy lợi Ea Ksuy đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng
“Bom nước” chờ vỡ
Hồ thủy lợi Ea Ksuy, xã Ea Tân (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) có dung tích khoảng 680.000m3. Hồ không chỉ cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Ea Tân, mà còn tưới tiêu hơn 100ha cây trồng trên địa bàn xã và vùng lân cận. Được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, hồ Ea Ksuy nay đã xuống cấp nghiêm trọng, trên thân đập có nhiều điểm thấm nước, nứt, gãy, xói lở hàm ếch.
Theo ông Nguyễn Công Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý các công trình thủy lợi Đắk Lắk, trong 352 công trình hồ chứa nước trên toàn tỉnh mà đơn vị đang quản lý thì đa số đã xuống cấp, hư hỏng. Trong đó, có đến 69 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, 7 hồ chứa mất an toàn và 3 hồ chứa mất an toàn cao.
“Trước mùa mưa, đơn vị đã kiểm tra, rà soát tất cả các công trình hồ chứa, đồng thời có báo cáo gửi UBND tỉnh, Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về các công trình có nguy cơ mất an toàn để lên phương án duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, về lâu dài, các công trình này cần có nguồn kinh phí xây dựng lại để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ “bom nước” vỡ vào mùa mưa”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết, hiện tỉnh mới bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa được 77 công trình hồ chứa nhưng chủ yếu là công trình nhỏ; với các công trình có quy mô lớn, hư hỏng nặng, đã gửi đề xuất tới Bộ NN-PTNT, Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ, sửa chữa, nâng cấp.
Tại tỉnh Đắk Nông, hồ đập xuống cấp cũng diễn ra nhiều nơi, gây nguy cơ vỡ đập. Theo một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, trong số hơn 250 hồ chứa đơn vị đang quản lý thì đa số đang trong tình trạng mất an toàn. Đáng chú ý nhất là công trình thủy lợi Đắk Sắk có sức chứa hơn 7 triệu m3 nước, được xây dựng cách đây 30 năm và hiện đã xuống cấp, thân đập có nhiều điểm thấm nước.
Nguy cơ núi lấp làng
Đêm 15-7, người dân thôn Liên Kiết 1 (xã Buôn Tría, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đang ngủ ngon giấc bỗng giật mình bởi tiếng đổ ầm ầm vang rền trời do đất đá từ đỉnh đồi đổ ập xuống thôn, gây lấp một nhà dân. Trong đêm, người dân phải gồng mình tìm cách giải cứu nạn nhân, giúp nhau lánh nạn.
Ông Phạm Minh Toại, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk, than thở, ngoài điểm sạt lở trên, trên địa bàn còn có nhiều điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở cao khác. Trong đó, nghiêm trọng nhất là khu vực ven bờ sông Krông Nô đoạn qua các xã Ea R’Bin, Nam Ka (huyện Lắk). Nguyên nhân sạt lở được đánh giá ban đầu là do tình trạng hút cát lậu và thủy điện xả nước thất thường khiến bờ sông bị sạt lở, ăn sâu vào đất nông nghiệp và đất ở của người dân.
Ngược về xã Đắk Ruồng (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), làng Kon Skôi nằm cạnh sông Đắk Pne, bao năm qua do không có kè bảo vệ nên cứ mùa mưa bão đến, con sông lại “gặm nhấm” đất làng. Nếu như mấy chục năm trước, làng cách sông cả trăm mét thì nay điểm làng gần nhất cách sông còn có 5m. Ông A Kiên, Trưởng thôn Kon Skôi, cho biết, năm nào cũng vậy, cứ mưa bão đến, bà con sống thấp thỏm sợ sông cuốn nhà nên ăn không ngon, ngủ không yên, phải di dời lên nơi khác.
Trồng rừng để ngăn chặn sạt lở
Theo Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở đất ở khu vực Tây Nguyên hiện nay là do rừng tự nhiên bị suy giảm, mất khả năng giữ đất. Để tránh nguy cơ sạt lở đất, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, tổ chức trồng rừng để giữ đất. Đặc biệt, cần tăng cường trồng rừng gỗ lớn vì cây rừng gỗ lớn có bộ rễ khỏe, ăn sâu xuống lòng đất nên có khả năng chống xói mòn, rửa trôi đất tốt hơn so với rừng sản xuất thông thường.
MAI CƯỜNG - HỮU PHÚC
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//nguy-co-sat-lo-mua-mua-bao-830188.html