Chiếc cầu tạm bằng gỗ phục vụ cho việc đi lại của 9 hộ dân phía bên kia sông thuộc thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn, gọi là chiếc cầu nhưng nó chỉ được chống đỡ bằng 3 trụ đá, mặt cầu được làm bằng những thanh tre đan lại với nhau.
Qua tìm hiểu được biết, mặc dù đã được thống kê để giải phóng mặt bằng xây dựng hồ chứa nước Nặm Cắt, song do chưa được bồi thường nên hiện nay 9 hộ dân sinh sống phía bên kia sông, thuộc khu vực Bản Chiu, thôn Bản Pẻn chưa thể di dời đến nơi ở mới. Đã nhiều năm nay, bà con nhân dân và các em học sinh ở đây vẫn phải đi lại qua chiếc cầu tạm do mình tự làm, tuy nhiên đó chỉ là vào mùa khô, dòng sông ít nước, còn vào mùa mưa lũ, chiếc cầu bị cuốn trôi, thì các hộ dân phía bên kia sông lại bị cô lập hoàn toàn, việc đi lại của người dân và các em học sinh đều ngưng trệ.
|
Hằng ngày, người dân vẫn phải đi qua cây cầu tạm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là mùa mưa lũ. |
Không những vậy, mặc dù được thường xuyên sửa chữa và làm mới nhưng việc đi lại trên chiếc cầu tạm này cũng rất nguy hiểm bởi mặt cầu nhỏ, lại nằm khá cao so với lòng sông. Ông Lâm Văn Bội, thôn Bản Pẻn cho biết: “Hàng ngày, tôi vẫn thường xuyên đi qua cây cầu này, Nguy hiểm đấy, đi sợ lắm nên tôi toàn dắt xe qua thôi, đi lại rất khó khăn nên dân cư trong này thưa thớt, chỉ còn có mấy nhà thôi”...
Thực tế cho thấy, lợi ích của những cây cầu tạm mang lại cho người dân là rất thiết thực như rút ngắn khoảng cách đi lại, dễ làm, chi phí thấp, có thể tận dụng nguyên liệu tại chỗ, tuy nhiên do chỉ làm tạm không chắc chắn nên khi đi lại qua những cây cầu như vậy trong mùa mưa lũ cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho người dân.
Anh Lâm Thanh Tâm, ở thôn Bản Pẻn chia sẻ: “Nhà tôi vẫn ở đây nên thường xuyên phải đi lại qua cây cầu tạm này, nguy hiểm thì biết rồi, nhất là đến mùa trẻ con đi học, dân ở đây cũng ý kiến nhiều nhưng giờ không có dự án gì nên dân tự làm thôi. Cứ mưa to lũ về, cây cầu bị cuốn trôi thì sau đấy người dân trong thôn lại cùng nhau làm lại cây cầu tạm khác. Nước cũng khá sâu, bình thường là 2m, ở đây cũng đã có trường hợp người qua cầu tạm này bị ngã”.
Còn cây cầu tạm tại thôn Nà Pài, thuộc xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn mới bị cuốn phăng sau những đợt mưa lũ vừa qua. Trước đây, trên chiếc cầu này, có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại.
Gọi là cây cầu, nhưng tất cả đều được người dân chung tay góp sức làm, nên hết sức đơn sơ, thủ công, ván cầu được ghép bởi những mảnh tre, nứa còn trụ hai đầu cầu được quây bằng phên nứa và đổ đá, sỏi vào trong. Nay bị mưa lũ cuốn trôi, chưa làm lại được nên cũng khó khăn cho bà con trong việc di chuyển.
Hiện nay, toàn bộ cầu tạm đều do chính quyền các địa phương và người dân tự xây dựng, quản lý, nhưng do mang tính tạm thời, nên việc duy tu, sửa chữa ít được quan tâm.
Chính vì vậy, đa số cầu tạm chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. Do việc xây dựng cầu kiên cố tốn rất nhiều kinh phí, thời gian, nên các địa phương cần tranh thủ mọi nguồn lực, điều kiện để thu hút đầu tư, nguồn vốn nhằm xây dựng cầu trên địa bàn.
Không có số liệu thống kê cụ thể hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có bao nhiêu chiếc cầu tạm bắc qua sông, suối để phục vụ việc đi lại của người dân. Song có một điều chắc chắn là việc đi lại qua những chiếc cầu như vậy vào mùa mưa lũ, nước sông suối dâng cao là rất nguy hiểm.
Vì thế, để đảm bảo an toàn, cùng với thực hiện nghiêm những khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền các địa phương, trước hết người dân cần có ý thức tự bảo vệ mình, không nên đi qua cầu tạm vào những ngày mưa lũ lớn hoặc khi cầu quá cũ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo cand.com.vn