Nhiệt độ ở Thung lũng Chết đạt 53,8 độ C, thời điểm tận thế đã bắt đầu?

Đăng ngày: 17-07-2020 | Lượt xem: 2099
Một trạm khí tượng chính thức ở Thung lũng Chết đã thông báo vừa đo được mức nhiệt độ (không khí) là 53,8oC (129oF) - một trong những mức nhiệt độ cao kỷ lục tại đây.

Thung lũng Chết vốn được biết đến là nơi giữ kỷ lục về mức nhiệt độ cao nhất hành tinh, với mức nhiệt độ lên đến 56,6C vào năm 1913. Tuy nhiên, việc đo nhiệt độ này cũng gây tranh cãi trong giới khí tượng học. Để rồi cuối cùng, hầu hết các chuyên gia khí tượng kết luận rằng nhiệt độ nóng nhất từng được ghi lại là 54 độ C vào năm 2013, cũng vẫn ở Thung lũng Chết!

Thung lũng Chết được coi là một trong những nơi nóng nhất hành tinh.

Và giờ thì nhiệt độ tại nơi nóng khủng khiếp này lại tiến sát đến mức cao nhất trong lịch sử. Với mức nhiệt 53,8 độ C trong vài ngày qua. Nhiều người ở đây phản ánh rằng không khởi động nổi xe ô tô do máy nóng quá mức. Đây là điều rất nguy hiểm vì nếu người đang đi trên đường mà xe chết máy, điều hòa không bật được thì người trong xe làm sao sống nổi trong cái nóng như thế?

Các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng, nhiệt độ ở Thung lũng Chết - cũng như ở mọi nơi khác trên thế giới - đều sẽ còn tăng vọt và điều đó sẽ trở thành “trạng thái bình thường mới” do biến đổi khí hậu.

Một bức ảnh mới cho thấy nhiệt độ ở Thung lũng Chết lại lập đỉnh trong năm nay.

Và nếu không có gì thay đổi, thì khả năng lớn năm 2020 sẽ là năm nóng nhất, tính trên toàn cầu, kể từ khi dữ liệu được ghi lại, tức là kể từ cuối những năm 1800. Choáng hơn nữa là 5 năm nóng nhất của thế giới đều đã xảy ra trong… 5 năm gần đây (từ 2015).

Cả Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) và tổ chức chuyên phân tích nhiệt độ Berkeley Earth đều đã xếp 2020 là năm nóng thứ hai, chỉ một bước sau năm kỷ lục 2016, khi có hiện tượng Siêu El Niño.

Năm 2017, nhiều du khách tới chụp ảnh với tấm bảng đo nhiệt độ tại Thung lũng Chết khi trời nóng đến 130oF (54,4oC), nhưng năm 2020 sắp phá kỷ lục rồi. Ảnh: Jason Kravarik/CNN.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, chúng ta hiện đang ở đáy của giai đoạn cực tiểu của Mặt Trời - kéo dài 11 năm, khi năng lượng từ Mặt Trời đã giảm nhiều. Vậy có lẽ vài năm nữa, khi bước sang giai đoạn cực đại của Mặt Trời thì nhìn ngược lại, chúng ta sẽ thấy năm 2020 cũng… chưa phải là nóng lắm đâu.

Theo tienphong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: