Sạt lở ở khu vực ven biển Ba Tri.
Bến Tre là một trong những địa phương có tình trạng sạt lở ven sông, ven biển nghiêm trọng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc ngăn chặn tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi.
Ngay từ hồi tháng 3/2023 (đang mùa khô), Bến Tre đã phải công bố tình trạng khẩn cấp liên quan tới sạt lở ven sông Mỏ Cày qua địa bàn khu vực thị trấn Mỏ Cày và xã Tân Hội (huyện Mỏ Cày Nam). Theo thông báo này, trên sông Mỏ Cày có 2 điểm sạt lở nghiêm trọng gồm đoạn 1 ở thị trấn Mỏ Cày kéo dài khoảng 200m tạo thành hàm ếch, hố sâu nguy hiểm. Điểm sạt lở này khiến nhiều trụ sở cơ quan nhà nước như Bảo hiểm xã hội, Viện kiểm sát, Trạm y tế, kho xăng… bị ảnh hưởng cùng nhiều nhà dân gần đó. Địa điểm thứ 2 dài khoảng 480m, ảnh hưởng tới trụ sở của Kho bạc nhà nước huyện Mỏ Cày Nam, bờ kè hiện hữu, quốc lộ 57, nhà dân…
Theo thông báo khẩn cấp này, tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo sở ngành tiến hành di dời nhà dân, cơ quan nhà nước, khoanh vùng, cắm biển cảnh báo, bố trí cán bộ trực canh theo dõi… đồng thời lập phương án xử lý cấp bách theo quy định. Nhưng không chỉ có khu vực sông Mỏ Cày, tình trạng sạt ở Bến Tre còn diễn ra nhiều khu vực khác. Cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh Bến Tre lại tiếp tục công bố tình trạng khẩn cấp liên quan tới sạt lở khu vực sông Giao Hòa đi qua 2 xã Giao Long và An Hóa (huyện Châu Thành). So với khu vực sông Mỏ Cày, tình trạng ở sông Giao Hòa nghiêm trọng hơn khi tuyến đường huyện lộ qua khu vực dài 45m bị sạt lở, nước cuốn trôi nên giao thông bị cắt đứt. Ngoài ra, sạt lở cũng tác động tới tuyến quốc lộ 57B, hạ tầng cầu An Hóa cùng 300 hộ dân bị ảnh hưởng và gần 30 hộ phải di dời.
Sạt lở ven sông ở Mỏ Cày.
Không chỉ có sạt lở ven sông, mới đầu tháng 11 này, khu vực ven biển ở huyện Ba Tri (Bến Tre) cũng đối mặt với tình trạng sạt lở và tỉnh đã phải một lần nữa công bố tình trạng khẩn cấp. Cụ thể, một đoạn bờ biển dài 4,7km nằm ở xã Bảo Thuận bị nước biển cuốn trôi làm 115 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có 15 căn nhà bị ảnh hưởng trực tiếp (4 căn bị sập và 11 căn người dân phải di dời bởi nguy cơ cao). Ngoài ra đường đê bao, đường bê tông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng cùng hơn 500ha đất canh tác bị ảnh hưởng.
Theo ông Võ Tiến Sĩ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong 10 năm qua, tình trạng sạt lở ở tỉnh ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và khó lường hơn. Hậu quả khiến tình trạng mất nhà cửa, đất nông nghiệp, rừng phòng hộ ngày càng nan giải.
Hiện tỉnh Bến Tre có 112 điểm sạt lở ven sông, ven biển với tổng chiều dài 134km. Đáng chú ý, sạt lở bờ sông với 104 điểm, tổng chiều dài khoảng 115km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của khoảng 700 hộ dân trong khu vực sạt lở; sạt lở bờ biển 8 điểm, với tổng chiều dài khoảng 19km đã làm mất khoảng 200ha đất và 54ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển.
Được biết, trong năm 2023 này, tỉnh Bến Tre được nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 300 tỷ đồng để trực tiếp khắc phục, giải quyết tình trạng ven sông ven biển, tập trung ở các địa điểm đã được công bố. Tuy nhiên, với tình trạng biến đổi khí hậu và dòng chảy ngày càng khó lường, tình trạng sạt lở dự báo sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới. Trong đó, nguy hiểm nhất là tình trạng sạt lở đã không còn diễn ra “theo mùa” ở những tháng mưa nhiều như trước mà ngay cả mùa khô vẫn xảy ra khiến người dân, chính quyền liên tục phải đề phòng.
ĐOÀN XÁ