Nhiều diện tích lúa tại Thừa Thiên - Huế bị chết do xâm nhập mặn

Đăng ngày: 17-02-2020 | Lượt xem: 1887
Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa bị chết do xâm nhập mặn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế là 79,8 ha.

Do lượng mưa trung bình từ đầu năm 2020 đến nay thấp hơn trung bình nhiều năm và phân bổ không đều nên nhiều hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang trong tình trạng “khát nước”. Điều này dẫn tới hàng chục ha lúa của địa phương bị chết do xâm nhập mặn và hàng nghìn ha có nguy cơ bị thiếu nước từ nay đến cuối vụ Đông Xuân.

Trong vụ Đông Xuân năm nay, diện tích sản xuất lúa của tỉnh Thừa Thiên - Huế là 28.667 ha; trong đó, đã gieo sạ được 28.197 ha, diện tích còn lại đang trong giai đoạn làm đất gieo trồng muộn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa bị chết do xâm nhập mặn là 79,8 ha tập trung ở các xã Phú Đa, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Hà, Phú Gia, Phú Xuân (huyện Phú Vang); xã Quảng Công (huyện Quảng Điền); xã Hải Dương, Hương Phong (thị xã Hương Trà); xã Lộc Trì, Vinh Hưng (huyện Phú Lộc). Diện tích có khả năng bị thiếu nước từ nay đến cuối vụ Đông Xuân là 1.934 ha tập trung các huyện như Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Thanh Hùng cho biết, hiện tại mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt khoảng 50 - 80% dung tích thiết kế, riêng hồ Phú Bài 2 chỉ đạt khoảng 30% dung tích thiết kế. Dung tích nước tại các hồ thủy điện của tỉnh cũng đạt mức thấp, cụ thể: hồ Tả Trạch đạt 66%, hồ Hương Điền đạt 64%, hồ Bình Điền đạt 36% so với dung tích thiết kế.

Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ Đông Xuân năm 2019-2020 và vụ Hè Thu năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí để triển khai nạo vét các kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông vào hệ thống kênh mương nội đồng để chống hạn cho diện tích tích gieo trồng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi quản lý vận hành đóng các cống trên đê ven phá đảm bảo ngăn mặn triệt để, chống thất thoát nước.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành của Chính phủ hỗ trợ khoảng 76,3 tỷ đồng kinh phí điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, thời gian tới, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư một số công trình thủy lợi như: xây dựng hồ chứa nước Thủy Cam, nâng cấp sữa chữa đập ngăn mặn Thảo Long, đập ngăn mặn Cửa Lác, một số hồ chứa nước, đầu tư hệ thống trạm bơm và tuyến đường ống chuyển nước từ sông tới các xã ven biển của huyện Phú Vang, Phú Lộc...

* Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, để hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh trên lúa trong vụ Hè Thu 2020, ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ khuyến cáo người dân không xuống giống vụ Hè Thu ngay sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ chăm sóc lúa Đông Xuân 2020. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Theo bà Bùi Thị Kim Chúc, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, ngành nông nghiệp huyện đã đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân không tự ý xuống giống khi chưa có lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn; khuyến cáo và theo dõi chặt các hộ chăn nuôi vịt chạy đồng không đưa nước vào ruộng khi chưa kiểm tra nồng độ mặn để hạn chế mặn ảnh hưởng đến đất và mùa vụ sản xuất.

Khi có thông báo lịch thời vụ của ngành chuyên môn, đề nghị các xã, thị trấn mời các tổ chức, cá nhân bơm tưới, bao tiêu để triển khai lịch thời vụ và kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, nhằm đảm bảo nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt, không xuống giống nhỏ lẻ hoặc không theo lịch thời vụ khuyến cáo, bà Kim Chúc cho biết thêm.

Vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020, huyện Long Mỹ xuống giống trên 17.769 ha; trong đó, lúa giai đoạn làm đòng trên 3.804 ha, giai đoạn trổ trên 7.173 ha, giai đoạn chín trên 6.718 ha, thu hoạch 73 ha. Dự kiến cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ thu hoạch dứt điểm. Hiện nay, một số xã trên địa bàn huyện chuẩn bị thu hoạch khoảng 6.000 ha và có khả năng nông dân sẽ xuống giống vụ Hè Thu ngay sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân.

Bên cạnh đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp, nồng độ mặn biến động bất thường, xâm nhập sâu vào nội đồng có khả năng gây thiếu nước. Trong những ngày đầu tháng 2, nồng độ mặn đo được trên địa bàn huyện đạt từ 6 đến hơn 18 phần nghìn.

Do đó, việc xuống giống vụ Hè Thu ngay sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh trên lúa rất cao.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: