Những người bắt bệnh ông Trời tại Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư

Đăng ngày: 28-04-2021 | Lượt xem: 755
Vượt qua điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cũng như những khó khăn thiếu thốn các quan trắc viên trên đảo Hòn Ngư (Nghệ An) với niềm đam mê với công việc vẫn hàng ngày 4 lần leo núi quan trắc số liệu để đưa ra những bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai kịp thời.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn ghi chép số liệu nhiệt độ mặt đất tại "vườn khí tượng" trên đảo Hòn Ngư.

Đảo Ngư nằm cách bờ  Cửa Lò hơn 4 km, gồm hai hòn lớn nhỏ. Hòn lớn cao 133 m, hòn nhỏ cao 88 m so với mặt nước biển. Diện tích đảo vỏn vẹn 2,5 km2. Tại đảo có một trạm khí tượng hải văn đặt trên điểm cao nhất của đảo. Trạm chia thành hai điểm, điểm quan trắc nước biển nằm ở dưới chân hòn nhỏ, còn vườn khí tượng được đặt ở trên đỉnh núi.

Dưới khoảng trời xanh sậm màu nước biển và cây rừng, từ vị trí đơn vị Đại đội 33 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, Trạm khí tượng hải văn Đảo Ngư nằm nép mình bên phía đông của hòn đảo này. Theo các đồng chí bộ đội ở đây giới thiệu, trước kia để ra trạm khí tượng phải vạch cây rừng rất vất vả nhưng nay đã được mở hẳn con đường bằng bê tông.

Vượt qua điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và địa hình phức tạp, anh Nguyễn Ngọc Sơn, quan trắc viên ở Trạm Khí tượng Hải văn trên đảo Hòn Ngư hàng ngày 4 lượt leo lên đỉnh núi để ghi chép các số liệu khí tượng.

Trạm Khí tượng hải văn Hòn Ngư - Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Khu vực Bắc Trung Bộ

Anh Nguyễn Ngọc Sơn, quan trắc viên Trạm Khí tượng hải văn Hòn Ngư - Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Khu vực Bắc Trung Bộ, chia sẻ: "Những ngày gió bão rất nguy hiểm tới tính mạng của quan trắc viên, nhưng chúng tôi luôn nghĩ làm sao số liệu được trôi chảy để phục vụ công tác dự báo".

Nghề KTTV là một nghề thầm lặng, cần sự kiên trì, tỉ mỉ, đúng giờ giấc. Hơn nữa, cuộc sống của những quan trắc viên ngoài đảo lại thiếu thốn trăm bề. Do đó, theo mình, những người làm công tác khí tượng phải là những người rất gắn bó và yêu nghề mới có thể làm được.

Trạm Khí tượng Hải văn đảo Ngư chỉ có  3 người. Anh Hoàng Huy là Trạm trưởng, hai quan trắc viên là anh Nguyễn Ngọc Sơn và anh Nguyễn Cảnh Long. Tất cả đều là người Nghệ An. Công việc nói gọn chỉ có vậy mà lắm gian nan. Khi thì leo núi đo hướng gió, nhiệt độ mặt đất, nhiệt độ không khí, độ ẩm… lúc lại xuống biển quan trắc nước, đo độ mặn, đo sóng và gió.

Cuộc sống trên đảo rất khó khăn, nguồn nước ngọt duy nhất để anh em trong Trạm sử dụng là ba bể nước mưa. Nhưng mùa hè năm 2020, hạn hán kéo dài đã khiến tất cả các bể gần như cạn kiệt. “Bể nhà em lẫn bể của bộ đội gần như hết sạch nước. Ba anh em phải nhịn tắm. Quần áo thay ra mang xuống biển giặt bằng nước biển và phơi khô, khổ lắm ạ”, Huy kể. Trạm cũng không có điện, mỗi ngày, Trạm sẽ bật máy phát điện khoảng 2 tiếng đồng hồ đủ để sạc điện thoại và tranh thủ làm những công việc cần đến điện. Khó khăn như vậy nhưng những cán bộ KTTV chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Anh Hoàng Huy, Trạm trưởng  chia sẻ: “Khó khăn thật nhưng nghề đã chọn mình rồi thì mình phải cố gắng. Thiên tai vẫn còn, thì chúng tôi sẽ vẫn ở lại đảo này, góp phần đưa đến những bản tin dự báo chính xác nhất”.

Bùi Dịu

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: