Ninh Thuận: Tăng cường cảnh giác với thiên tai lốc xoáy

Đăng ngày: 28-05-2020 | Lượt xem: 1287
Lốc là luồng gió xoáy có sức gió mạnh tương đương với sức gió của bão nhưng được hình thành và tan trong thời gian ngắn, phạm vi hoạt động hẹp từ vài km2 đến vài chục km2.

Cây to ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn bị bật gốc

Trong 10 ngày qua, khu vực vùng núi tỉnh Ninh Thuận đã có mưa dông xuất hiện vào buổi chiều, lượng mưa đo được tại các trạm phổ biến khoảng từ 40 đến 80mm, cá biệt tại Sông Pha (huyện Ninh Sơn) 105.8mm, Phước Bình (huyện Bác Ái) 117.8mm. Mưa dông thường đi kèm lốc, sét và gió gật mạnh; trong một vài ngày vừa qua, khu vực các huyện Ninh Sơn, Bác Ái đã liên tiếp xảy ra 02 trận lốc xoáy.

Vào khoảng 13 giờ 00 ngày 19-5, do mây dông đối lưu phát triển rất mạnh trong khu vực, đã gây ra trận lốc xoáy tại địa bàn thôn Ú, thôn Do thuộc xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn. Lốc xoáy có gió giật rất mạnh kèm theo mưa cường độ lớn và dông sét trong thời gian ngắn. Ông Dương Đăng Minh, Phó Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyên Ninh Sơn cho biết, lốc xoáy đã làm tốc mái hoàn toàn 10 ngôi nhà và hàng chục ngôi nhà khác bị hư hỏng nhẹ. Lốc xoáy làm đổ, gãy một số cây cối. Không có thiệt hại về người và hoa màu. Sau khi lốc xoáy đi qua, các ngành chức năng của huyện đã phối hợp với UBND xã Ma Nới đi kiểm tra, đánh giá nhanh mức độ thiệt hại.

Theo Báo cáo nhanh của UBND huyện Bác Ái, vào lúc 15 giờ 30 phút đến 16 giờ 15 phút ngày 26-5, trên địa bàn huyện Bác Ái, mưa dông đầu mùa kèm theo lốc xoáy đã làm tốc mái nhà dân, một số công trình công cộng. Thiệt hại nhà dân: Lốc xoáy làm thiệt hại, chủ yếu là bay mái tôn 110 hộ dân tại xã Phước Thắng (109 căn) và Phước Đại (1 căn). Thiệt hại công trình tại xã Phước Thắng, gồm: Sập tường rào Trường Mẫu giáo thôn Ma Ty; Sập nhà xe Trường THCS Lê Lợi; sập cổng chào thôn văn hóa Ma Oai và nhiều biển hiệu của các hàng quán trên địa bàn xã. Về chăn nuôi: làm gãy chân 2 con bò của hộ dân và ngã đổ nhiều cây cối trong khu dân cư. Ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình dông lốc, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, mặt trận và các ngành của huyện có mặt tại hiện trường và chỉ đạo thống kê nắm chắc tình hình và đề xuất hướng hỗ trợ, khắc phục.

Lốc xoáy là hiện tượng thời tiết cực đoan thường xảy ra vào khoảng các tháng 4 đến 8 hàng năm và lốc xoáy thường phát triển từ một cơn dông, thường từ ổ dông rất mạnh, nên ở đâu có dông dữ dội là ở đó có thể có lốc xoáy. Lốc xoáy cũng có khi sinh ra từ một dải gió giật mạnh hay từ một cơn bão. Nguyên nhân sinh ra lốc xoáy là do những dòng khí nóng bốc lên cao một cách mạnh mẽ. Trong những ngày nóng nực mùa hè, mặt đất bị đốt nóng không đều nhau, một khoảng nào đó hấp thụ nhiệt thuận lợi sẽ nóng hơn, tạo ra một vùng khí áp giảm và tạo nên dòng thăng, không khí lạnh hơn ở chung quanh tràn đến  thành hiện tượng gió xoáy, tương tự như trong cơn bão.  

Với các cường độ khác nhau, có những trận lốc xoáy ít thiệt hại hoặc ở xa khu dân cư nên cũng chưa điều kiện điều tra đầy đủ. Tuy nhiên, hầu như ở mọi nơi đều có khả năng xảy ra hiện tượng lốc xoáy. Công tác dự báo trước để phòng tránh lốc xoáy trong điều kiện khoa học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, bởi hiện tượng này xảy ra bất thường trong phạm vi nhỏ, thời gian ngắn. Vì vậy trong những ngày nắng nóng gay gắt, khi có mây dông xuất hiện, chúng ta cần chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và có biện pháp để đề phòng thiệt hại.

Hơn nữa, để phòng tránh hữu hiệu chúng ta cần phải lưu ý trong thiết kế, đầu tư xây dựng các công trình phải tính toán kỹ khả năng chịu đựng của công trình khi bị lốc xoáy để hạn chế sức tàn phá, đôi khi còn lớn hơn bão mạnh. Do hiện tượng lốc xoáy thường đi kèm với dông, sét, mưa đá; nên khi xảy ra lốc xoáy người dân phải tìm đến những nơi trú ẩn an toàn như các nhà kiên cố, tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn; đặc biệt chú ý bảo vệ đầu.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền cho cộng đồng dân cư thường xuyên chú ý nắm bắt diễn biến thời tiết tại địa phương và theo dõi các loại bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm, đặc biệt là tin cảnh báo dông, sét. Hiện nay, các bản tin cảnh báo mưa dông được xây dựng trên cơ sở có sự hỗ trợ của kết hợp công nghệ ảnh mây vệ tinh, ra đa thời tiết và số liệu định vị sét cập nhật liên tục 10 phút/lần; nên việc xác định được mây dông phát triển một cách khoa học, chính xác và đưa ra cảnh báo kịp thời.

Theo TS Hoàng Phúc Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, nhận định về tình hình mưa dông trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6. Khu vực Nam Trung Bộ nói chung sẽ có tần suất xuất hiện mưa dông vào buổi chiều tăng dần, đây là những cơn mưa dông xảy ra trong giai đoạn chuyển mùa vừa là nguồn bổ sung lượng nước quý giá cho nông nghiệp, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ kèm theo thiên tai lốc, sét, gió giật. Riêng khu vực tỉnh Ninh thuận thì mưa dông thường sẽ xuất hiện ở phía Bắc và phía Tây tỉnh, đặc biệt là khu vực giáp ranh với Khánh Hòa và Lâm Đồng.

Tin: Đặng Thanh Bình - Đài KTTV Ninh Thuận

Biên tập: Tạp chí KTTV

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: