Ông Lê Thanh Hải Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn
Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT), khi trả lời phỏng vấn Báo Tài nguyên và Môi trường về nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo thiên tai.
PV: Theo như ông nói, độ chính xác trong bản tin dự báo bão đã tăng lên đáng kể, nhưng vì sao các bản tin vẫn có sự sai lệch khi bão tiến vào biển Đông, thưa ông?
Phó Tổng Cục trưởng Lê Thanh Hải: Bên cạnh những mặt tích cực, công tác dự báo mới chỉ có tiến bộ nhiều về mặt định tính, về mặt dự báo định lượng vẫn còn những hạn chế. Mạng lưới thám sát thiên tai ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn. Mật độ các trạm khí tượng phân bố không đều giữa các vùng, trung bình khoảng 1.765 km2/trạm và khoảng cách giữa các trạm trung bình 42 km; so với trung bình thế giới 400 km2/trạm còn rất thưa.
Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là mật độ trạm ngoài biển khơi quá thưa. Cả khu vực Biển Đông, Việt Nam chỉ có khoảng 10 trạm khí tượng trên một số đảo ở phía Đông Nam của Biển Đông, còn phía Đông Bắc Biển Đông hoàn toàn không có trạm nào. Khi các cơn bão lại hình thành và di chuyển trên khu vực Biển Đông, số liệu quan trắc phục vụ dự báo bão rất thiếu. Các bản tin cảnh báo dự báo bão sẽ có những sai số nhất định bởi lúc ấy, Việt Nam chỉ có thể dùng một thiết bị quan trắc duy nhất đó là ảnh mây vệ tinh. Sai số khi bão vào Biển Đông sẽ nhiều hơn khi bão vào gần bờ, bởi khu vực gần bờ sẽ có mạng lưới trạm quan trắc ven bờ và rada hỗ trợ.
PV: Hiện nay, những yếu tố tác động nào đang nằm ngoài khả năng dự báo bão của cơ quan khí tượng nước ta, thưa ông?
Phó Tổng Cục trưởng Lê Thanh Hải: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng rất lớn của thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn. Các cơn bão thường đổ bộ vào đất liền từ biển, trong khi chúng ta không đặt được các trạm quan trắc trên biển, mà chỉ có thể đặt trên đất liền hoặc các đảo. Khi xuất hiện bão, chúng ta chưa thể có những thiết bị tối tân như các nước phát triển, dùng máy bay nhỏ đưa các thiết bị quan sát ra xa hoặc sử dụng vệ tinh để lấy được thông tin từ cơn bão đó.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến điều kiện tự nhiên ở nước ta, như việc hầu hết các hệ thống sông không còn chế độ dòng chảy tự nhiên mà chịu chi phối bởi rất nhiều các yếu tố khác; thảm thực vật rừng đầu nguồn thay đổi, địa hình, địa vật cũng đã thay đổi nhiều so với trước đây.
Trong cuộc Tọa đàm tại Việt Nam nhân dịp diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Ủy ban Bão quốc tế đầu năm 2018, ngài Petterri Talaas - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết: “WMO đã nghiên cứu về hiện tượng nóng lên toàn cầu và nhận thấy, nhiệt độ khí quyển đã tăng lên 1oC và đại dương cũng đã nóng lên khoảng 0,5oC. Điều này khiến cho lượng hơi nước tăng lên và dẫn đến những cơn bão nhiệt đới ngày càng mạnh hơn…”.
Còn ở Việt Nam, theo Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, “…trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ Việt Nam tăng khoảng 0,62oC và chưa có các nghiên cứu cứu cụ thể về việc tăng kỷ lục các cơn bão vào Việt Nam và trên Biển Đông”. Đây chính là một trong những thách thức lớn đối với công tác dự báo khí tượng thủy văn (KTTV), đặc biệt, dự báo bão bởi tính chất cực đoan, trái với quy luật thông thường và khó nắm bắt.
Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: MH
PV: Trong điều kiện hạn chế về mặt công nghệ, các dự báo viên và nhân viên quan trắc phải nỗ lực như thế nào để bù đắp các khoảng trống về hệ thống quan trắc, công nghệ, thông tin phục vụ dự báo, thưa ông?
Phó Tổng Cục trưởng Lê Thanh Hải: Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV theo 3 cấp đã được hình thành từ khoảng 20 năm nay và được xác định là mô hình chính của Hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo KTTV theo Luật KTTV. Tuy vậy, trách nhiệm của mỗi cấp sẽ được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao theo hướng chi tiết hơn về thông tin dự báo, cảnh báo KTTV đối với các khu vực. Vai trò của các cấp khu vực, tỉnh sẽ được chú trọng đặc biệt.
Các phương pháp, công nghệ chính trong quá trình dự báo, cảnh báo KTTV ở Việt Nam hiện nay gồm: Phương pháp truyền thống (phân tích synốp, thống kê…); phương pháp số trị, mô phỏng số; phương pháp tổ hợp, thống kê sau mô hình; ứng dụng công nghệ viễn thám (rađa, vệ tinh). Cần nhấn mạnh là sản phẩm khoa học công nghệ của các phương pháp nêu trên chỉ để tham khảo. Kết quả cuối cùng đưa vào bản tin dự báo, cảnh báo KTTV phụ thuộc vào quyết định chủ quan của dự báo viên được phân công/chịu trách nhiệm xây dựng bản tin (theo phân cấp có thể là dự báo viên, lãnh đạo Phòng dự báo hoặc lãnh đạo Đài, lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương tùy theo loại hình bản tin).
Trước thực trạng trên, để nâng cao tính chính xác, độ tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có lộ trình xây dựng các hệ thống quan trắc hiện đại, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường công nghệ dự báo, năng lực chuyên môn, đặc biệt là xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ dụng mô hình dự báo bão, mưa lớn của Việt Nam. Trọng tâm là gia tăng mật độ mạng lưới trạm khí tượng bề mặt và đo mưa tự động hóa, với khả năng truyền tự động số liệu thời gian thực về Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương.
Công nghệ điều hành, xử lý thông tin của tất cả ra đa trên mạng lưới phải đồng bộ, hiện đại, tạo cơ sở tổ hợp số liệu thời gian thực toàn bộ mạng lưới ra da thời tiết. Hệ thống quản lý, điều khiển, tổ hợp ảnh ra đa thời tiết đạt trình độ hiện đại phổ biến trên thế giới. Nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông của hệ thống thông tin truyền dẫn số liệu, bảo đảm thu thập dung lượng số liệu thời gian thực đáp ứng yêu cầu phục vụ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành.
Tăng cường năng lực phân tích, tính toán, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các mô hình KTTV hiện có, đưa vào sử dụng trong dự báo nghiệp vụ các sản phẩm ảnh mây vệ tinh và ra da thời tiết, đã được xử lý làm giàu thông tin, gia tăng giá trị sử dụng. Thiết lập hệ thống máy tính đủ mạnh, đảm bảo tốc độ chạy các mô hình có độ phân giải cao, mô hình dự báo hải văn, các mô hình dự báo cực ngắn cho sản phẩm 4 lần/ngày, dự báo từng giờ, tính toán úng ngập đô thị thời gian thực.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KTTV hiện đại nhằm lưu trữ, quản lý và khai thác hiệu quả dữ liệu KTTV, đáp ứng các yêu cầu của công tác dự báo và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật chủ chốt, đáp ứng các yêu cầu hiện đại hóa ngành.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Lĩnh vực dự báo KTTV đã có những bước tiến đáng kể nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và Nhà nước, Chính phủ và Bộ TN&MT đã quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho quan trắc, truyền số liệu. - Quỹ đạo và tốc độ di chuyển của bão từ dự báo trong thời gian ngắn 12 - 24 giờ trước đây đã nâng lên 72 giờ hiện nay. Thậm chí, đối với những cơn bão có quỹ đạo ổn định, thời hạn dự báo đã được nâng lên 5 ngày. Nội dung của bản tin dự báo bão cũng dần được thay đổi để phù hợp với thực tế. Mỗi thời hạn dự báo (24, 48 và 72 giờ) đều nêu rõ vị trí, cường độ, tốc độ và hướng di chuyển tiếp theo, phạm vi bán kính gió mạnh cấp 6 và cấp 10 (là bán kính gió mạnh nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm). Hiện nay, cường độ gió giật mạnh trong bão, ATNĐ cũng được dự báo cụ thể và chi tiết hóa đến các vùng biển, quần đảo, hải đảo, ven biển. - Đối với dự báo, cảnh báo mưa lớn: Đã dự báo trước 2 - 3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông: mới chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 2 - 3 giờ; Đã bước đầu dự báo đinh lượng mưa đến các tỉnh trước 6 - 12 giờ. - Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh có thể trước 5 - 7 ngày với độ tin cậy 80%. - Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng có thể trước từ 2-3 ngày với độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80 - 90%. - Các loại hình thiên tai khác như lốc, sét, mưa đá chỉ có thể đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện trên vùng rộng, khu vực chi tiết chỉ cảnh báo trước được từ 30 phút đến 1 giờ, nhưng cũng chỉ thực hiện được ở khu vực có phủ ra đa thời tiết. - Đối với Dự báo, cảnh báo thủy văn: dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 24 - 48 giờ, khu vực Bắc Bộ trước 3 - 5 ngày đạt từ 70 - 85%. Lũ quét, sạt lở đất, đá đã cảnh báo trước 6 - 12 giờ và chi tiết đến cấp quận huyện vùng núi. |
Nguồn: Báo TN&MT