Nắng hạn kéo dài đã làm nhiều cánh đồng khô khốc, gia súc không còn cỏ để ăn. Ảnh: Ý Thảo
Trong đó có 9 hồ có dung tích trên mực nước chết và xấp xỉ mực nước chết, 11 hồ chứa dưới mực nước chết và đến mực nước chết. Riêng hồ Ông Kinh đã hết nước.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay, tỉnh vẫn bảo đảm phục vụ nước sinh hoạt ổn định cho 61.768 hộ với 285.789 khẩu. Tuy nhiên, nếu đến giữa tháng 6 vẫn không mưa, tại các khu vực có khả năng thiếu nước sinh hoạt cần phải chở nước phục vụ cho người dân khoảng 12.156 hộ/49.475 khẩu.
Ngoài ra, do ảnh hưởng hạn hán, toàn tỉnh có hơn 7,8 nghìn ha phải dừng sản xuất vụ đông xuân. Vụ hè thu, dừng sản xuất hơn 15 nghìn ha. Nguy cơ thiếu đói, giáp hạt đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi rất cao.
Hiện trên địa bàn có khoảng 110 nghìn con bò, dê, cừu trong vùng hạn sẽ không còn thức ăn, nước uống. Nguy cơ dẫn đến suy dinh dưỡng, phát sinh dịch bệnh là rất cao. Tính đến ngày 21/5, toàn tỉnh có 88 điểm cháy rừng với tổng diện tích rừng bị cháy hơn 63 ha.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm hỗ trợ kịp thời nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước bền vững. Đó là hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 thuỷ lợi Tân Mỹ. Xây dựng trạm bơm Quảng Sơn lấy nước từ hệ thống thuỷ lợi Sông Pha cấp cho hơn một nghìn ha đất canh tác chưa có nguồn nước sản xuất từ năm 1975 đến nay.
Ngày 24/4, Ninh Thuận đã nhận 450 tấn lúa giống, 46 tấn hạt giống ngô, 8 tấn hạt giống rau do Trung ương hỗ trợ. Tỉnh đã chủ động phân bổ 37 tỷ đồng từ nguồn nguồn kết dư ngân sách tỉnh năm 2018 để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách và các công việc liên quan phục vụ chống hạn; hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt, kết nối liên thông các hệ thống cấp nước sinh hoạt để phục vụ dân sinh; hỗ trợ kinh phí để tổ chức nạo vét kênh mương, đào ao, hồ để cung cấp nguồn nước uống cho gia súc...
Đầu tư kết nối liên thông hồ chứa hồ Tân Giang đến Sông Biêu, suối Lớn. Hỗ trợ nguồn thức ăn tinh, đầu tư, đấu nối, mở rộng đường ống các hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tổ chức nạo vét, mở rộng hệ thống kênh chính, kênh dẫn và cửa lấy nước để phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn và kinh phí mua nhiên liệu bơm nước chống hạn.
Hỗ trợ 1500 tấn giống lúa, 50 tấn giống bắp, 10 tấn giống rau màu các loại để tái sản xuất sau vụ hè thu; hỗ trợ gao cứu đói các hộ dân không có nước sản xuất từ vụ hè thu năm 2019 đến nay cho 72.718 khẩu x 15 kg/khẩu = 1.090 tấn gạo.
Hỗ trợ 200 nghìn liều vắcxin lở mồm long móng,100 nghìn liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, 30 nghìn lít thuốc sát trùng Benkocid và hóa chất để thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chấp thuận cho Ninh Thuận chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác để thực hiện dự án trọng điểm ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu và các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như các hồ chứa nước Sông Than, Kiền Kiền, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Hõm và Vĩnh Hy...
Trước đó, vào ngày 23 – 24/5/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Xuân Cường đã làm việc tại Ninh Thuận về tình hình ứng phó với nắng hạn. Theo đó, Bộ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Ninh Thuận trong công tác phòng, chống hạn trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, tỉnh Ninh Thuận cần tính đến chuyện nếu nắng hạn kéo dài đến tháng 9 thì kế hoạch cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, việc dừng, giãn sản xuất trong vụ hè thu cần tính toán kỹ để bảo đảm sản xuất. Về lâu dài, tỉnh cần ra soát lại cơ cấu kinh tế để chủ động trong việc tái cơ cấu sản xuất, phát triển trên các lĩnh vực.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận về hỗ trợ giống, gạo cứu đói giáp hạt…. và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đển bảo đảm đời sống cho người dân địa phương trong thời gian tới.
Theo giaoducthoidai.vn