Nông dân Hậu Giang sản xuất 'thuận thiên' trong mùa nước nổi

Đăng ngày: 11-11-2022 | Lượt xem: 1812
Những năm gần đây, người dân tại nhiều địa phương của Hậu Giang đã mạnh dạn chuyển đổi lúa Thu Đông sang các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Do nằm cuối nguồn và thuộc vùng trũng, nên trước đây khi mùa nước nổi về, nhiều diện tích lúa Thu Đông của bà con ở tỉnh Hậu Giang ngập sâu trong nước bị thiệt hại, thất thoát dẫn đến thua lỗ. Chính vì thế, những năm gần đây, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi lúa Thu Đông sang các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Những mô hình mới “thuận thiên” này đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang quây lưới trên ruộng nuôi cá trong mùa nước nổi.

Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang quây lưới trên ruộng nuôi cá trong mùa nước nổi.

Có hơn 1ha đất lúa nằm ở vùng trũng thuộc ấp 1, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, những năm gần đây ông Vũ Thái Hòa chỉ sản xuất vụ lúa Đông Xuân, bỏ hẳn vụ lúa Hè Thu và Thu Đông để chuyển sang trồng sen kết hợp với nuôi cá. Theo ông Hòa, vụ Thu Đông thường gặp rủi ro về thời tiết, nhất là khi lúa bị nước ngập sản xuất sẽ không mang lại hiệu quả cao, trong khi trồng sen giảm thiểu được những rủi ro này, thu nhập lại cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa Thu Đông.

“Trồng sen hiệu quả kinh tế bền hơn trồng lúa lại không phụ thuộc vào máy móc hay nhân công, gia đình tự trồng, tự thu hoạch. Lúa Thu Đông có năm thất thu do gặp mưa gió, giá nhân công lại cao và giá phân bón vật tư tăng lên quá cao nên nhiều năm bị thua lỗ. Trồng sen không bao giờ lỗ vì cứ 1 kg sen sẽ mua được 1,5 kg lúa, riêng vụ Đông Xuân mỗi 1kg sen có thể mua 6 kg lúa”, ông Hòa cho hay.

Ngoài mô hình sen, những năm gần đây nông dân ở huyện Phụng Hiệp cũng mạnh dạn phát triển mô hình nuôi cá ruộng theo hướng quản canh trong mùa nước nổi. Bởi ngoài yếu tố kinh tế, nuôi cá ruộng còn góp phần vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất, giảm chi phí sản xuất trong vụ Đông Xuân.

Theo thống kê, trong khoảng 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm huyện Phụng Hiệp có hơn 3.000 ha đất được bà con bỏ sản xuất vụ lúa Thu Đông để chuyển sang nuôi cá ruộng, với các loại cá như chép, mè, rô phi, trê lai, trê vàng…

“Ở vùng đất trũng này nếu làm lúa vụ 3 năng suất rất thấp nên thả cá sẽ có lời hơn. Khi nuôi cá trong ruộng chỉ cần bung lưới quây thành giàn là xong, thả 1 vụ cá cũng kiếm được từ trên 10 triệu đến hơn 20 triệu đồng, lãi hơn so với làm lúa ruộng”, ông Nguyễn Văn Thành, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp bộc bạch.

Với diện tích đất lúa gần 20.000 ha, mùa nước nổi năm nay, nông dân huyện Phụng Hiệp chỉ xuống giống khoảng 7.000 ha lúa Thu Đông ở những khu vực có đê bao, đất ít trũng. Còn gần 4.000 ha được chuyển sang nuôi cá ruộng, gần 2.000 ha được chuyển sang trồng sen, ấu, các loại cây trồng khác và khoảng 7.000 ha nông dân không sản xuất mà để lúa chét bán cho vịt chạy đồng. Đến cuối tháng 10 Âm lịch, sau khi thu hoạch các loại cây trồng, vật nuôi trong mua nước nổi, bà con sẽ tiến hành bơm rút nước, làm đất để sản xuất vụ lúa Đông Xuân.

 
Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu hoạch cá nuôi trên ruộng mùa nước nổi.

Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu hoạch cá nuôi trên ruộng mùa nước nổi.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, một số vùng đất tại các xã không trồng được lúa Thu Đông, huyện khuyến khích bà con chuyển đổi sang cây trồng khác, trong đó có nhiều diện tích đất ruộng được bà con tận dụng để nuôi cá đồng hoặc trồng các loại cây chịu nước, ví dụ như trồng súng, trồng sen, trồng ấu…

“Với diện tích đất ruộng được chuyển đổi linh hoạt, sau mỗi vụ bà con thu lãi rất cao, so với trồng lúa Thu Đông mức lãi cao gấp 2-3 lần. Đặc biệt, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa thay thế diện tích lúa Thu Đông là mô hình đặc trưng của huyện Phụng Hiệp, với mô hình này bà con cũng thu lời khá cao”, ông Tuấn cho biết.

Sản xuất theo hướng “thuận thiên” là phong trào đang được nhân rộng ở vùng ĐBSCL. Hiện nay, nhiều địa phương trong vùng đã chủ động hướng người nông dân lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên để tạo ra nguồn thu nhập ổn định, thay vì bám cây lúa dẫn đến tình cảnh mất mùa, thua lỗ nhất là trong thời điểm mùa nước nổi về./.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nong-dan-hau-giang-san-xuat-thuan-thien-trong-mua-nuoc-noi-post983191.vov

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: