Philippines đang chuẩn bị mọi biện pháp để đối phó với bão Molave đổ bộ vào phía Nam đảo Luzon trong ngày 25/10. Đây là cơn bão thứ 2 đổ bộ vào Philippines chỉ trong vòng chưa đầy một tuần qua, sau khi cơn bão Saude vẫn đang khiến hàng nghìn người phải đi sơ tán và gây ra tình trạng lụt lội trên diện rộng tại tỉnh Quezon.
Ảnh: Getty
Philippines đã sơ tán gần 1.800 người và ngừng việc đi lại trên biển, trong bối cảnh bão Molave mang theo mưa lớn đổ vào hai khu vực ở phía Nam đảo Luzon của nước này.
Cơ quan khí tượng quốc gia cho biết, chính quyền đã ban hành cảnh báo bão đối với các tỉnh thuộc khu vực Bicol and Calabarzon, miền Nam đảo Luzon. Do gió mạnh, việc đi lại trên biển đã phải tạm ngừng ở khu vực Calabarzon, khiến 662 người bị mắc kẹt tại các cảng biển.
Bão Molave hình thành sau cơn bão Saude, vốn gây ra lũ lụt trên diện rộng ở tỉnh Quezon. Tại làng Canda Ibaba thuộc tỉnh Quezon sau khi bão đi qua, các ngôi nhà và đường sá vẫn chìm trong nước lụt, với phương tiện giao thông chính được sử dụng là thuyền. Các hoạt động cứu trợ người dân đang được tích cực thực hiện.
Người đứng đầu khu vực Lopez Rachelle Ubana cho biết: “Hiện chúng tôi đang đẩy nhanh hoạt động cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Saude. Do lụt lội nghiêm trọng nên chúng tôi phải chuyển khoảng 1.400 hộ gia đình đến các nơi sơ tán an toàn, đề phòng các trường hợp xấu xảy ra”.
Theo đánh giá, cơn bão Molave có thể gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về tài sản tại các khu vực mà cơn bão quét qua. Mưa lớn cũng có thể làm tăng nguy cơ lũ lụt và lở đất, giao thông bị gián đoạn. Sau khi vượt qua Philippines, bão Molave dự kiến tiếp tục mạnh lên trên Biển Đông.
Không chỉ Philippines nhiều quốc gia Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Báo cáo của Liên Hợp Quốc mới đây cho biết, thế giới đang đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng trong 20 năm qua, trong đó châu Á bị tác động mạnh nhất. Các đợt nắng nóng gây chết người, hạn hán, lũ lụt và bão sẽ trở nên phổ biến hơn ở châu Á. Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai bà Mami Mizutori cảnh báo, đại dịch Covid-19 với những tác động nghiêm trọng nhưng thảm họa thiên tai còn tàn khốc hơn nhiều lần:
“Đại dịch Covid-19 cho thấy sự cần thiết phải gia tăng nhận thức về các nguy cơ hiện hữu xung quanh ta. Nguy cơ này có thể kéo theo các khủng hoảng khác. Nếu dịch Covid-19 rất đáng sợ thì sự khẩn cấp của biến đổi khí hậu còn nghiêm trọng hơn nữa. Chúng ta có thể tự cô lập để bảo vệ mình khỏi đại dịch Covid-19 bằng cách này hay cách khác, nhưng chúng ta không thể tự cô lập mình khỏi những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này”, bà Mizutori nói.
Châu Á cũng chịu rủi ro đặc biệt do tác động của biến đổi khí hậu vì có đông người nghèo, những người có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào công việc ngoài trời, sống ở những khu vực dễ bị tổn thương do nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Theo nghiên cứu vừa công bố của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey & Co, số lượng các trận mưa lớn có thể tăng gấp 3-4 lần vào năm 2050 ở các khu vực của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia... Tình trạng lũ lụt gia tăng có thể gây thiệt hại 1.200 tỷ USD ở châu Á, chiếm tỷ lệ khoảng 75% trong tổng thiệt hại toàn cầu./.
Theo vov.vn