Quay quắt ứng phó với hạn mặn lịch sử

Đăng ngày: 20-02-2020 | Lượt xem: 2065
Những ngày giữa tháng 2 này, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là các địa phương ven biển đang trải qua một mùa khô chưa từng có. Hạn hán bủa vây, mặn xâm nhập sâu vào đất liền hàng chục, thậm chí cả trăm cây số. Các cống ngăn mặn phải đóng chặt, nội đồng khát nước giữa bốn bề… nước mặn.

Anh Dương Văn Thanh Vũ (ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) bên ruộng lúa xem như đã mất trắng do thiếu nước. Ảnh: CẢNH KỲ

Nguy cơ lúa mất trắng
Huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của mùa khô khắc nghiệt năm nay. Anh Đào Thanh Thương (45 tuổi, ở ấp Láng, xã Tân Thành) có 20 công (1.000m2/công) lúa Đông Xuân, trong đó có khoảng một nửa xuống giống sớm nên lúa “né” được đỉnh điểm hạn hán, tuy nhiên năng suất vẫn kém so với mọi năm. 
Nửa diện tích còn lại của anh Thương đang vào giai đoạn trổ bông nhiều ngày nay không có nước, nguy cơ mất trắng là khó tránh khỏi. “Giờ có nước ngay may ra cứu được phần nào, còn không khoảng năm hôm đến một tuần nữa mà không có nước coi như xong” - anh Thương nói. 
Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng lúa trên cánh đồng ở xã Tân Điền, ruộng lúa mà cỏ đã mọc cao và nhiều hơn lúa, anh Dương Văn Thanh Vũ (39 tuổi, ngụ ấp Kênh Ngang, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) chua chát nói: “Còn gì đâu anh, sau khi cấy đến nay không có chút nước, em bỏ luôn. Giờ mướn công gặt cũng lỗ. Người mua cho vịt ăn cũng không thèm mua nữa”. 
Theo anh Vũ, chưa năm nào hạn hán khắc nghiệt như năm nay. Mùa khô năm 2015-2016 cũng đã xảy ra tình trạng này nhưng lúa vẫn có để gặt, không đến nỗi như hiện nay. Vụ Đông Xuân là vụ chính, với 6 công lúa do thiếu nước, anh Vũ trắng tay. 
Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), cho biết toàn xã có 1.200ha đất trồng lúa (chiếm tới hơn 80% đất nông nghiệp của xã). Trước tình hình hạn hán, địa phương đã khuyến cáo bà con xuống giống sớm để né thiệt hại, một số bà con chủ động làm trước. Tuy nhiên, đa phần lúa Đông Xuân trên địa bàn đang vào thời kỳ trổ bông nên nguy cơ mất trắng cao. Do tình hình xâm nhập mặn vào sâu trên các sông, các cống ngăn mặn được đóng, ngăn xâm nhập vào nội đồng. “Hiện tại xã đang đợi nước, nếu khoảng một tuần nữa mà không có thì coi như lúa thất thu” - ông Minh nói.
Quay quắt vì khát nước ngọt
Không chỉ lúa, nhiều vườn cây ăn trái ở miền Tây cũng đang gồng mình trong cơn khát. Xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) có gần 1.200ha diện tích cây ăn trái, trong đó có trên 400ha cho giá trị trên 200 triệu đồng/ha, chủ yếu là sầu riêng và bưởi da xanh.
Mặc dù chưa có thiệt hại do mặn, nhưng do tình hình xâm nhập mặn kéo dài, nguồn nước trong các ao trữ nước của người dân cũng bị nhiễm mặn dẫn đến thiếu nước tưới cho cây trồng. Nắng hạn kết hợp với nấm bệnh đã làm cho 300/402,7ha cây sầu riêng của xã bị cháy lá, năng suất giảm 25-30%.
 
Còn ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), các nhà vườn đang thuê sà lan chở nước từ thượng nguồn về cứu cây.Theo người dân, đây là đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất mà họ từng thấy. Lần đầu tiên cả cù lao với hơn 1.500ha sầu riêng (chiếm 90% diện tích nông nghiệp) đang khát nước ngọt trầm trọng. 
Việc thuê chở nước về tưới là giải pháp tình thế để cứu vườn sầu riêng không bị chết. Từ đầu đợt hạn mặn đến nay có người bơm vào vườn đến 2 sà lan nước, tốn 20 triệu đồng nhưng chỉ cầm cự được một thời gian ngắn. Những ngày tới nếu không mưa hoặc độ mặn không giảm thì vẫn phải bơm nước vào vườn. Cây sầu riêng từ lúc trồng đến thu hoạch đợt trái đầu tiên phải mất đến 5 năm, mỗi cây có thể cho trái 100-150kg/năm. 
huyện Gò Công Đông, từ ngày 18/1 đến nay toàn huyện đã triển khai 141 điểm bơm phục vụ gần 8.900ha, đắp 18 đập ngăn mặn đầu các tuyến kênh bị xâm nhập mặn. Tỉnh triển khai hai trạm bơm dã chiến trên địa bàn huyện, hiện hai trạm này đã ngưng hoạt động do hết nước. Trên toàn huyện, ngoài một hai tuyến kênh trục chính, các tuyến kênh còn lại hầu hết đã hết nước. 
Những ngày qua, trên sông Hàm Luông độ mặn lấn sâu đổ qua sông Tiền, khi triều rút dòng nước nhiễm mặn theo sông Tiền đổ ra biển, do đó độ mặn tại cống Xuân Hòa trên sông Tiền (cách cửa sông 45km) ở mức 4-5 g/l. Trong vài ngày tới do ảnh hưởng của kỳ triều cao cuối tháng Giêng, mặn tiếp tục xâm nhập sâu, cống Xuân Hòa tiếp tục đóng, nguồn nước trong nội đồng khô kiệt.
Không chỉ thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng đang khan hiếm. Theo Văn phòng cấp nước của huyện, lưu lượng nước về huyện tại thời điểm ngày 16/2 đạt khoảng 12.400m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu sử dụng của huyện khoảng 21.000m3/ngày đêm. 
Hiện tại nguồn nước mặt trong các ao chứa ở các trạm cấp nước đều bị nhiễm mặn nên các trạm không thể sản xuất để cấp bù lượng nước thiếu hụt, do đó áp lực nước một số khu vực rất yếu. Giải pháp trước mắt là mở các điểm vòi nước công cộng tại các trạm cấp nước để người dân lấy nước về sử dụng, đồng thời xem xét đến phương án phân tuyến để luân phiên cấp nước…
Toàn hệ thống chính trị vào cuộc
Tình hình ở các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang cũng căng thẳng không kém các huyện phía Đông. Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, vùng phía Tây năm nay bất lợi hơn so với đợt hạn, mặn năm 2016 rất nhiều, do nước mặn từ sông Hàm Luông đẩy sang sớm và độ mặn rất cao, nước mặn bao phủ gần hết tuyến sông Tiền. Tỉnh đã triển khai và các địa phương cũng chủ động đắp đập, ô đê bao nhằm trữ nước; khuyến cáo người dân nên thử nước trước khi tưới cho cây. Nước triều kém hoặc có thời điểm trong ngày nước có thể ngọt nên người dân tranh thủ lấy vào phục vụ sản xuất; hàng ngày 3 buổi đo độ mặn tại các điểm trọng yếu và thông báo kết quả cho người dân. 
Quay quắt ứng phó với hạn mặn lịch sử - ảnh 1Đến các tỉnh miền Tây, không khó để bắt gặp biển treo rao bán đất, bán ruộng - Ảnh: CẢNH KỲ
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón cho biết, để chủ động ứng phó, tỉnh đã thông tin nhanh về diễn biến, dự báo tình hình hạn, mặn thông qua hệ thống tin nhắn SMS ít nhất hai lần/ngày gửi tới lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến xã để chỉ đạo ứng phó; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và có biện pháp phòng, chống…
Còn Tỉnh ủy Tiền Giang đã ra công văn chỉ đạo toàn hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc thực hiện nhiều nhóm giải pháp cụ thể, cấp bách. Bên cạnh công tác tuyên truyền, Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp như đắp đập, gia cố đê bao, nạo vét lòng kênh, chủ động bơm trữ nước trong điều kiện độ mặn cho phép; tăng cường theo dõi, thường xuyên quan trắc độ mặn; khuyến cáo lịch thời vụ; hỗ trợ bồn chứa nước, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Các địa phương phân công người bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra thực tế, không để bị động, bất ngờ. Nơi nào lơ là, thiếu trách nhiệm để xâm nhập mặn gây thiệt hại cho nhân dân thì lãnh đạo chủ chốt của đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy. Quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong đợt hạn mặn này…

Tại cuộc họp khẩn mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng chỉ đạo Sở NN&PTNT phải đắp đập kênh Nguyễn Tấn Thành nhanh nhất, quyết tâm bảo vệ vùng sản xuất lúa tại huyện Tân Phước và nguồn nước sinh hoạt của khoảng 800.000 dân trên địa bàn tỉnh; Công ty cấp nước Tiền Giang lên lịch điều tiết nước sinh hoạt theo hướng khu vực nào nước tốt thì mở van nhỏ, khu vực khó khăn nhất thì mở van tối đa, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, theo giờ.

Theo tienphong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: