Tổng lượng mưa tích lũy trong khoảng 2 giờ tại một số điểm: Văn Điển 118mm; Láng 138mm; Tây Hồ 150mm; Cầu Giấy 170mm.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khẳng định, lượng mưa 170 mm ở quận Cầu Giấy trong 2 giờ là lớn nhất theo số liệu có được từ trước đến nay. Giá trị như vậy ứng với chu kỳ khoảng 100 năm xuất hiện một lần. Lượng mưa 150mm ở Tây Hồ ứng với chu kỳ khoảng 50 năm xuất hiện một lần.
Nhiều tuyến phố của Hà Nội chỉ sau một trận mưa đều nhanh chóng biến thành sông. Mở đầu cuộc trao đổi, ông Trần Huy Ánh cho hay:
Mưa lớn trên diện rộng sẽ ngày càng dày đặc và có thể xảy ra ở bất cứ đâu, khi nào. Đó là biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cái giải pháp và tác động của con người đối với tự nhiên thể hiện rõ ràng nhất ở các vùng đô thị.
Xe chết máy sau khi đi qua quãng đường ngập sâu. Ảnh: Đình Hiếu
Nóng quá như ô nhiễm không khí, ngột ngạt, nồng độ bụi mịn, bức xạ, dịch bệnh, đảo nhiệt, nghịch nhiệt cực đoan, lạnh thì lạnh quá, mưa thì mưa quá… Các xung đột về thời tiết ngày càng cực đoan, khó nắm bắt. Các vấn đề trên, các đô thị lớn trên thế giới đã có phương án hết rồi. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì phản ứng còn rất bị động.
Trận mưa lớn mới đây chỉ ngập úng cục bộ tại một số quận mới. Các quận nội đô được quy hoạch ổn định, ít bị tác động nhất dường như không bị ngập úng không?
Hầu hết cả thành phố đều ngập. Các quận nội đô được quy hoạch từ thời Pháp cũng ngập chứ không riêng các quận mới. Tuy nhiên, quận nội đô nước ngập nhưng rút rất nhanh do hệ thống thoát nước tốt. Nhiều thập kỷ qua, các quận nội đô vẫn sử dụng hệ thống thoát nước từ thời Pháp xây dựng.
Các quận mới trầm trọng hơn do quy hoạch liều lĩnh, bất chấp hơn. Người Pháp khi đến Hà Nội cũng san lấp cả tuyến hào bao xung quành thành Hà Nội để lấy mặt bằng làm hạ tầng. Tuy nhiên, đi cùng với việc san lấp đó là họ xây dựng hệ thống thoát nước bài bản dẫn nước ra sông Hồng.
“Quy hoạch bất chấp!”
Ông nói về “quy hoạch bất chấp”, cụ thể là như thế nào?
Bất chấp thể hiện ở chỗ: không tuân theo các quy luật tự nhiên, bất chấp địa hình địa mạo… Nó thể hiện sự manh mún chụp giật, tranh chấp với tự nhiên rõ rệt nhất.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh trò chuyện cùng VietNamNet. Ảnh: Kiên Trung
Hàng trăm năm trước, người Pháp đã tuân thủ nguyên tắc, khi xây dựng một công trình, thành phố trước tiên họ tiến hành trắc đạc để xem nước chảy vào đâu, sau đó mới xây dựng thiết kế. Bản thiết kế đầu tiên luôn là nét vẽ về hệ thống thoát nước.
Từ năm 1905, người Pháp đã xây dựng hệ thống thoát nước, kể cả hệ thống tiêu lũ… Kéo dài hàng thập kỷ, đến khoảng năm 1937 - 1941 hệ thống thoát nước này mới hoàn thành.
Trong tất cả các phương án quy hoạch Hà Nội bao giờ cũng có bản thiết kế thoát nước đầu tiên. Ernest Hébrard (KTS người Pháp nổi tiếng) - nét bút đầu tiên khi vẽ về quy hoạch hà Nội là nét vẽ về hệ thống thoát nước: mạng lưới đường phố, đường kênh thoát nước như thế nào… Con sông Kim Ngưu là một công trình nhân tạo thoát nước của thành phố.
Những nhà quy hoạch thành phố đều rất bài bản, chủ động, chỉn chu, kể cả cách thoát nước ngầm, thoát nước mặt, thoát nước thải... Đó là những nhà quy hoạch lão luyện.
Còn cách làm quy hoạch tại các khu đô thị mới của Hà Nội hiện nay là cách xây dựng của những anh chàng nghiệp dư, chia lô bán nền… Hậu quả rất rõ ngay sau đó.
Trận lũ lịch sử năm 1926 khiến người Pháp phải điều hướng lại phương án thoát nước cho Hà Nội
Bản đồ địa hình và sơ đồ đê điều năm 1905 do người Pháp xây dựng. (Ảnh tư liệu do KTS Trần Huy Ánh cung cấp)
Đã có những bằng chứng, có thời điểm Hà Tây (cũ) phê duyệt dự án ngay trên đầu nguồn nước sạch khu nghỉ dưỡng quy mô hàng ngàn ha, gấp 4 quận nội đô. Đó là sự liều lĩnh, nó mang lại một thành phố không an toàn, không bền vững. Mất an toàn trong cả trạng thái bình thường, đó là tắc nghẽn giao thông, khói bụi, hỏa hoạn rất dễ xảy ra. Trạng thái không bình thường là trong các giai đoạn thiên tai địch họa… Bây giờ tôi thấy, cứ mưa ngồi ở nhà cũng biết nơi nào sẽ ngập.
Hà Nội vốn là thành phố ven sông. Lịch sử lụt lội của nó đã được ghi lại từ thời kỳ phong kiến. Khi định đô tại Thăng Long, vua Lý Công Uẩn cũng đưa ra một tiêu chí, đó là “nơi đất cao mà bằng phẳng, nơi cây cỏ tốt tươi không bị trũng ngập có lợi cho muôn dân…”, nghĩa là phải gần nguồn nước để có nguồn sống nhưng cũng phải an toàn khi nước dâng cao. Khi dân cư đông đúc, người ta buộc phải tràn xuống các vùng đất trũng tranh giành không gian sống…
"Quy hoạch bất chấp" đang là nguyên nhân khiến phương án thoát nước của Hà Nội bế tắc.
Đến thời Pháp thuộc, mục đích khi Pháp sang Việt Nam là nhằm khai thác thuộc địa nên họ cũng tàn phá, khai thác tận diệt tài nguyên. Tác hại của việc tàn phá môi trường để lấy tài nguyên cũng đem đến những hậu quả về mưa lũ, ngập úng, vỡ đê… từ thời kỳ đó.
Điển hình như trận lũ năm 1926, lũ lớn đe dọa Hà Nội buộc phải đắp đê và lấp đi cống thoát nước được đi ngầm dọc 2 tuyến phồ Trần Hưng Đạo – Lý Thường Kiệt thông với sông Hồng bằng một cửa cống chỗ BV 108 bây giờ.
Sông Kim Ngưu là giải pháp thoát nước khi có mưa lớn mà lại chống được lũ lụt, theo hướng từ Bắc xuống Nam. Khi có lũ lớn, quy hoạch dành ra một hành lang thoát lũ để khi cần thiết sẽ cho thoát lũ, xả lũ vào sông Đáy, sau đó men theo đập Đáy qua sông Tích, sông Nhuệ đi xuống phía Nam qua sông Hoàng Long, qua mạn Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Hà Nam… nhập vào sông Thái Bình để đổ nước ra biển Đông. Tổng thể thoát nước Hà Nội là như thế.
Xin cảm ơn KTS Trần Huy Ánh!
Kiên Trung (thực hiện)