Toàn tỉnh hiện có trên 1 triệu ha đất nông nghiệp. Việc canh tác còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, nên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Ngành đã nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, từ làm theo kinh nghiệm, thuận tự nhiên sang áp dụng khoa học kỹ thuật. Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp để thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thiên tai ngày một gia tăng và khó lường. Chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất mùa vụ trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Đối với vụ xuân hè, ngành Nông nghiệp đã đề nghị các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn; ưu tiên thu hoạch trước diện tích lúa vùng có nguy cơ bị ngập úng, xảy ra lũ quét, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với vụ mùa, tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch đến đâu làm đất đến đó, kết hợp sử dụng các chế phẩm phân hủy rơm rạ để tránh gây hiện tượng ngộ độc trong đất, ảnh hưởng đến lúa cấy vụ mùa. Triển khai gieo cấy lúa vụ mùa đúng lịch và khung thời vụ; sử dụng cơ cấu giống lúa ngắn ngày, chất lượng và một số giống lúa kháng bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Giai đoạn từ 2021 đến nay, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) triển khai dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc”, bằng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Dự án đã tổ chức 67 lớp tập huấn hiện trường cho trên 2.000 lượt người dân và xây dựng 51 mô hình về canh tác lúa, cà phê, khoai sọ tại 4 xã Nậm Lầu, Chiềng Pha, Muổi Nọi, Bon Phặng của huyện Thuận Châu.
Dự án đã giúp các hộ thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, trong canh tác lúa giảm được 60-80% lượng giống; giảm 10-20% phân bón hóa học; giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với canh tác truyền thống. Biết cách bón phân vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và tác dụng của từng loại phân bón đối với cây trồng; nông dân nhận biết các loại sinh vật hại lúa, cà phê, khoai sọ và cách phòng trừ; chủ động canh tác, thích ứng với các biến đổi khí hậu, như hạn hán, mưa lũ. Tận dụng nguồn rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp vào sản xuất, giảm bớt khí phát thải vào môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao thu nhập.
Khoai sọ là một trong những đặc sản của huyện Thuận Châu. Tuy nhiên, do hầu hết các gia đình chỉ trồng với diện tích nhỏ, xen canh để sử dụng trong gia đình. 5 năm trở lại đây, do tác động bất lợi của thời tiết, khiến một số hộ gia đình chuyển một phần diện tích sang trồng cỏ voi hoặc bỏ hoang gây lãng phí. Mô hình canh tác khoai sọ thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai tại các xã Nậm Lầu và Chiềng Pha đã góp phần bảo tồn, gìn giữ giống khoai sọ Cụ Cang, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững.
Bà Lò Thị Phin, bản Phúc, xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Tháng 2/2023, gia đình tôi tham gia mô hình canh tác khoai sọ theo hướng hữu cơ do huyện triển khai. Sau khi được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, gia đình thực hiện chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, chất lượng được nâng lên, giá bán cao gấp 3 lần so với vụ trước đó. Với 2.500m² trồng khoai sọ, năm nay, trừ chi phí, thu lãi khoảng 70 triệu đồng.
Bà Quàng Thị Phượng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Là địa phương hưởng lợi từ Dự án canh tác bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, huyện đã và đang vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học trong sản xuất, chủ động điều chỉnh mùa vụ sản xuất, nhân rộng một số giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất, chất lượng cao, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp; các mô hình cây trồng trái vụ đến nông dân...
Thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, là yêu cầu cấp thiết để nông nghiệp phát triển. Các cấp, các ngành cần nhận thức sâu sắc tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp, vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền, vận động, đi đôi với việc giới thiệu cho nông dân các giải pháp thích ứng phù hợp, phát triển sản xuất nông nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể.