Bờ sông Hiếu đoạn qua xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Bờ sông Hiếu đoạn qua huyện Cam Lộ và thành phố Đông Hà đã bị sạt lở thêm hàng nghìn mét do các đợt lũ lớn vừa qua. Ghi nhận vào đầu tháng 12/2020, bờ sông Hiếu đoạn qua xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ có thêm nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào bờ. Những dãy tre và cây lâu năm được người dân trồng thành hàng dài đã nhiều năm nay đã bị đổ ngã hoặc bị đất vùi lấp dưới lòng sông.
Theo anh Nguyễn Ngọc Linh, sinh sống ven sông Hiếu đoạn qua xã Cam Hiếu, trong nhiều năm trở lại đây chưa từng thấy bờ sông bị sạt lở nhanh và sâu vào bờ như hiện nay. Ngoài nhiều diện tích đất sản xuất đã bị mất do sạt lở bờ sông, người dân nơi đây còn lo lắng về sự an toàn, nhà cửa và các công trình xây dựng ven sông.
Chỉ riêng bờ sông Hiếu đoạn qua huyện Cam Lộ đã có thêm trên 3.000m bị sạt lở nặng, ăn sâu vào từ 15 - 20m sau các đợt lũ lụt vừa qua; tập trung ở casv xã: Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ. Đáng chú ý, hệ thống kè bảo vệ bờ sông Hiếu đoạn qua huyện Cam Lộ cũng bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của nhiều hộ dân.
Theo ông Hoàng Tân Cương, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Cam Lộ, để khắc phục tình trạng sạt lở bờ và kè hai bên bờ sông Hiếu cần nguồn vốn rất lớn. Do đó, địa phương rất mong cấp trên sớm quan tâm đầu tư để khắc phục sạt lở bờ sông nơi đây, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đất sản xuất và các công trình, tài sản khác.
Tương tự, tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn cũng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng sau lũ lụt. Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị đã có khoảng 6.500m bị sạt lở sau các đợt mưa lũ đặc biệt lớn vừa qua; trong đó nghiêm trọng nhất là ở xã Hải Lệ và phường An Đôn.
Đường Nguyễn Hoàng là con đường huyết mạch chạy dọc bờ sông Thạch Hãn nối Quốc lộ 1A với trung tâm xã Hải Lệ. Con đường này đang có nguy cơ bị sụt lún và chia cắt, bởi bờ sông Thạch Hãn có nhiều điểm sạt lở chỉ còn cách mép đường từ 3 – 4m. Đặc biệt tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ sạt lở bờ sông Thạch Hãn đã đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân. Chỉ riêng bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ đã bị sạt lở dài 1.600m, ăn sâu vào từ 5 – 15m, ảnh hưởng trực tiếp đến 41 hộ dân, làm nứt nhiều công trình, nhà cửa.
Ông Đinh Ngọc Tiềm, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ cho biết, sạt lở bờ sông Thạch Hãn đã vào tận bức tường phía sau nhà, khiến tường bị nứt. Gia đình phải di dời đến chỗ khác để đảm bảo an toàn.
Bờ sông Thạch Hãn còn bị sạt lở nghiêm trọng đoạn qua các xã: Triệu Thượng, Triệu Giang, Triệu Đông, Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Long thuộc huyện Triệu Phong; xã Gio Việt, Gio Mai huyện Gio Linh.
Tại bờ sông Bến Hải đoạn qua các xã: Trung Sơn, Trung Giang thuộc huyện Gio Linh; Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Linh, tình trạng sạt lở cũng diễn biến phức tạp. Bờ sông Ô Lâu ở huyện Hải Lăng bị sạt lở nặng đoạn qua các xã: Hải Chánh và Hải Sơn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, chỉ riêng các đợt lũ lụt đặc biệt lớn liên tiếp vừa qua đã làm bờ sông, suối bị sạt lở, cuốn trôi tổng chiều dài lên đến 30km. Trong đó có nhiều khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ăn sâu vào đất thổ cư, đất sản xuất, nguy cơ cao mất an toàn tính mạng, nhà cửa của người dân và các công trình hạ tầng kỹ thuật của nhà nước.
Tình trạng bờ các con sông ở Quảng Trị bị sạt lở nghiêm trọng là do biến đổi khí hậu, cụ thể là lũ lụt đặc biệt lớn diễn ra phức tạp; trong khi đất dọc theo bờ các con sông chủ yếu là đất cát pha, kết cấu yếu nên tình trạng sạt lở xảy ra rất nhanh và thường xuyên hơn. Ngoài ra còn do tác động của con người, nhất là khai thác cát sỏi trái phép, xây dựng các công trình ảnh hưởng đến dòng chảy.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, tình hình sạt lở bờ sông đang diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ xói lở nhanh và khu vực sạt lở thường xuyên thay đổi, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng người dân, tài sản, các công trình, di tích văn hóa lịch sử, đất thổ cư và sản xuất nông nghiệp.
Trước mắt, chính quyền các địa phương ở Quảng Trị đã và đang đặt các biển cảnh báo sạt lở bờ sông nguy hiểm, để đảm bảo an toàn cho người dân. Chính quyền địa phương cũng đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ vốn khẩn cấp, để xây dựng kè bờ sông, đặc biệt là các điểm xung yếu, để đảm bảo an toàn tính mạng, giúp người dân ổn định sinh hoạt, sản xuất.
Tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên tăng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho địa phương. Trong đó, nguồn kinh phí hỗ trợ để khắc phục thiệt hại các công trình thủy lợi, đê, kè, sạt lở bờ sông, bờ biển là trên 2.600 tỷ đồng.
Trước các đợt lũ lụt đặc biệt lớn xảy ra vào tháng 10/2020, tình trạng sạt lở bờ các con sông ở Quảng Trị cũng đã diễn ra nghiêm trọng. Theo đó, tổng chiều dài sạt lở bờ của các con sông đã lên đến hơn 105km; trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 18km, sạt lở nguy hiểm hơn 48km, sạt lở bình thường trên 39km. Khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị cho thấy, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở 72 thôn, khu phố của 32 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị, thành phố, với tổng số 2.364 hộ. Trong đó có 597 hộ đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm khi cách mép sông chỉ dưới 20m.
Theo TTXVN