Kè rọ đá chống sạt lở tuyến đê biển Tây ở Cà Mau.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của hạn hán, mặn xâm nhập nhiều tuyến đường dọc theo các bờ kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị sụt lún nghiêm trọng. Đặc biệt, tuyến đê biển Tây xuất hiện hàng loạt đoạn bị sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê cao trong mùa mưa.
Qua khảo sát thực tế của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, hiện nay, toàn tuyến đê biển Tây có 3 đoạn sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài gần 3km. Trong đó, vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm là đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh) với tổng chiều dài khoảng 957m.
Tại khu vực sạt lở này, đai rừng hiện còn rất mỏng (chỉ từ 1 - 5m), thậm chí có đoạn không còn đai rừng phòng hộ chắn sóng. Mặc dù, phía bên ngoài khu vực sạt lở đang được tỉnh Cà Mau triển khai xây dựng kè cơ bản, nhưng điều kiện thi công gặp bất lợi bởi thời tiết xấu, đến nay, một số đoạn chưa đổ đá vào thân kè, dẫn đến việc chưa tạo được bùn bồi lắng, gây nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Đặc biệt, vị trí cách Giồng Cát hướng về Tiểu Dừa khoảng 2,6km, khu vực ảnh hưởng vì sạt lở dài khoảng 210m, đai rừng còn rất mỏng và một số vị trí sạt lở chỉ còn cách mặt đê hiện hữu khoảng 1m.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, vào thời điểm này, trên vùng biển tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, nên thường xuyên có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng biển cao từ 2 - 4m, biển động.
Trước tác động của thiên tai đến hệ thống đê, kè biển Tây, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau bày tỏ sự lo tại những vị trí không có kè trong khi đai rừng phòng hộ rất mỏng, thậm chí có nơi không còn rừng.
“Tại những đoạn bị sạt lở, ngành chức năng địa phương đã điều động các phương tiện ra hộ đê. Thế nhưng, với việc mưa to, sóng lớn, điều kiện thi công cũng rất khó khăn”, ông Hải chia sẻ.
Do đó, ông Hải yêu cầu các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đê, kè, cũng như xử lý, khắc phục ngay các vị trí sạt lở. Bởi, đây là những công trình, phần việc mang tính khẩn cấp, cấp bách, bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân cũng như hệ sinh thái rộng lớn phía trong đê.
Đồng thời, ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh việc gia cố, cắt cử người trực tại những vị trí xung yếu để kịp thời xử lý, thông tin khi có tình huống xảy ra.
“Riêng đối với tuyến đê bằng đất từ Hương Mai đến Khánh Hội, trong khi chờ triển khai dự án bằng công trình kiên cố, cần vận động người dân tôn cao nhằm chống tràn, qua đó, chủ động bảo vệ đời sống và sản xuất”, ông Hải lưu ý.
Theo baogiaothong.vn