Sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu thổ Cửu Long

Đăng ngày: 05-07-2022 | Lượt xem: 1919
Thời điểm này đang là mùa mưa ở vùng châu thổ Cửu Long. Nước mưa làm yếu nền đất kết hợp với diễn biến bất thường của khí hậu, địa chất, địa mạo, dòng chảy, khiến tình trạng sạt lở bờ kênh, bờ sông, bờ biển nơi đây diễn biến phức tạp.

Ngày 3/7, tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang xảy ra vụ sạt lở bờ sông tại khu vực dạ cầu Cái Côn, ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, với chiều dài sạt lở 35m, sâu vào bờ nơi rộng nhất 15m, diện tích đất bị mất 525m2, khiến 5 căn nhà trôi sông, ước thiệt hại gần 1,3 tỉ đồng.

Hiện trường vụ sạt lở tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang ngày 3/7.

Cụ thể, hộ bà Chung Thị Cẩm Thoa sụp 1 căn nhà sàn, vách tôn, mái tôn 8,4x5,4m; 1 căn nhà vách tường, mái tôn 18,5x9m; 1 kè bê tông cốt thép dài 23m, ước thiệt hại 435 triệu đồng; hộ bà Nguyễn Thụy Tuyết Trinh sụp 1 căn nhà vách tường, mái tôn 3,9x9m, thiệt hại 70 triệu đồng; hộ Lê Thanh Ngàn sụp 1 căn nhà vách tường, mái tôn 5,5x16m; 1 căn nhà vách tường, mái tôn 6x16m, ước thiệt hại 644 triệu đồng.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Châu Thành, trên địa bàn huyện đã xảy ra 16 điểm sạt lở, tổng chiều dài 425m, diện tích mất đất 2.654m2, uớc tổng thiệt hại 2,029 tỉ đồng.

Tại An Giang, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với 2 đoạn sạt lở bờ sông Hậu, đoạn qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú. Cụ thể gồm: Đoạn có nguy cơ sạt lở rất cao chiều dài 300m, từ cửa hàng vật liệu xây dựng 195 Long Xuyên đến Nhà máy xay xát gạo Phương Đông, tiếp giáp với điểm cuối của công trình kè xử lý sạt lở năm 2021 về hạ nguồn; đoạn sạt lở chiều dài 500m từ Trung tâm Y tế huyện Châu Phú đến khu vực Bệnh viện tư nhân Huỳnh Trung Dũng. Trước đó, ngày 23/6, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Sở GTVT, Sở KH&ĐT tỉnh An Giang và UBND huyện Châu Phú đã tiến hành khảo sát 2 khu vực có nguy cơ sạt lở dọc theo bờ sông Hậu đoạn qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung. Kết quả cho thấy, 2 điểm sạt lở cách QL91 từ 2 đến 30m, tổng chiều dài 800m, có 4 cơ sở sản xuất, 104 hộ dân bị ảnh hưởng cần phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang giao các sở, ngành và UBND huyện Châu Phú áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để ứng phó, nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra; bố trí lực lượng trực chốt theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; khoanh vùng nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cảnh báo phạm vi sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn và tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở, báo cáo UBND tỉnh xử lý…

Tại Cà Mau, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2022 diễn biến phức tạp. Lúc 0h30 ngày 17/6, một vụ sạt lở xảy ra tại kênh Cái Ngay (ấp 4, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn) với chiều dài 40m, ngang 20m, sâu 4m, làm hư hỏng vựa thu mua tôm của một hộ dân, ước thiệt hại 250 triệu đồng. Tiếp đến, lúc 1h cùng ngày, xảy ra sạt lở tại khóm 3, thị trấn Năm Căn với chiều dài 7m, ngang 10m, sâu 3,5m, có một nhà dân bị thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Đến 2h ngày 17/6, lại xảy ra vụ sạt lở đất tại ấp Hiệp Tùng, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn làm chìm đoạn đường giao thông nông thôn dài 34m, ngang 4m, sâu 3,5m, thiệt hại 30 triệu đồng. Được biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Năm Căn (Cà Mau) xảy ra 7 vụ sạt lở đất, làm hư hỏng nhà cửa, đường giao thông nông thôn, tổng thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 39 khu vực bị sạt lở bờ sông, bờ biển. Tốc độ sạt lở từ 1 - 2m/năm đối với sông Gành Hào; từ 0,5 - 1m/năm đối với kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, kênh 30/4, kênh Quản lộ - Giá Rai, kênh Cạnh Đền - Hộ Phòng, kênh Láng Trâm, kênh Nước Mặn, kênh Cả Vĩnh... Các khu vực còn lại có tốc độ sạt lở từ 0,3 - 0,5m/năm. Mới đây, đoạn đường cặp kênh vào chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi) bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 54m, chiều rộng từ 0,5 - 2,5m, mặt đường bị lún từ 0,1 - 0,5m. Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi hiện có trên 10 điểm bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ đe dọa an toàn giao thông, nhất là đoạn từ cầu Phú Tòng 1 đến cầu Ông Nhiều (thuộc xã Hưng Hội), với 7 vị trí được cảnh báo.

Ông Nguyễn Hoàng Em, Chủ tịch UBND xã Hưng Hội cho biết: “Các vị trí trên tuyến đường vào chùa Hưng Thiện bị sạt lở, nguyên nhân là do trước đó xuất hiện những trận mưa lớn, cộng thêm các phương tiện đò dọc chạy đưa rước khách ra vào chùa thường xuyên làm nước đập mạnh vào bờ gây sạt lở đất”. Tình trạng sạt lở bờ biển cũng diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu ở huyện Đông Hải và TP Bạc Liêu. Thực tế của tỉnh Bạc Liêu ghi nhận, có 15km bờ biển bị xói lở quanh năm; 19km bờ biển có những tháng lở, tháng bồi; 22km bờ biển được bồi lắng quanh năm. Nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông, bờ biển là do diễn biến thời tiết bất thường, như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển; tác động của thủy triều, của sóng, gió; biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ thiên tai, sụt lún nền đất; lưu lượng tàu thuyền đi lại trên sông, kênh rạch nhiều, tạo ra sóng mặt nước tác động vào 2 bên bờ gây sạt lở.

Dự báo đến năm 2030, toàn tỉnh Bạc Liêu phải thực hiện 23 dự án chống sạt lở, trong đó có 21 dự án, công trình bờ sông; 1 dự án di dân tái định cư; 1 dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông. Tổng kinh phí xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 của tỉnh này gần 19.300 tỉ đồng… Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với sở, ngành kiểm tra, khảo sát các khu vực ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó, xử lý, cắm biển báo; thông báo thường xuyên, liên tục các vị trí bờ sông, bờ biển có nguy cơ sạt lở để người dân biết, chủ động di dời; vận động, hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi ở tạm an toàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Kế Sách (Sóc Trăng), từ đầu năm đến nay, địa bàn ghi nhận 11 đoạn sạt lở bờ bao, đường nông thôn với chiều dài gần 500m. Đến nay, huyện đã xử lý sạt lở được 3 đoạn, còn lại 7 đoạn, chiều dài trên 370m do chưa bố trí được nguồn vốn khắc phục.

Cũng trong năm 2021, huyện Kế Sách xảy ra sạt lở 54 đoạn với chiều dài hơn 1.500m, đã khắc phục được 29 đoạn và đang tiếp tục đề xuất các phương án khắc phục các đoạn còn lại. Huyện Kế Sách thường xuyên bị sạt lở bờ sông do địa phương này có hệ thống kênh, rạch chằng chịt và có nhiều xã, thị trấn nằm ven sông Hậu. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn huyện diễn biến rất phức tạp.

Theo ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, thì: “Về lâu dài, cần có các đơn vị chuyên môn tư vấn khảo sát, đánh giá sát tình hình thực tế sạt lở để có những giải pháp căn cơ hơn, hiệu quả hơn, đảm bảo cuộc sống và sinh kế của người dân tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của sạt lở”.

Văn Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/sat-lo-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-o-chau-tho-cuu-long-i659213/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: