Sau mưa lũ, bờ sông Gianh sạt lở nặng, ảnh hưởng đời sống hàng ngàn người

Đăng ngày: 03-11-2021 | Lượt xem: 1855
Sông Gianh chảy qua các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Các đoạn sông chảy qua đây có địa hình hẹp và dốc, mùa mưa lũ nước sông lên nhanh và dòng chảy rất mạnh gây xói nghiêm trọng hai bên bờ sông.

Sau những đợt mưa lớn vừa qua, 2 bên bờ sông Gianh sạt lở nặng hơn. Sạt lở bờ sông làm mất nhiều diện tích đất nông nghiệp, đe dọa tính mạng, nhà cửa và tài sản của người dân sống hai bên bờ sông.

Chị Bùi Thị Thanh ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, cứ mỗi mùa lũ lụt, thiên tai lấy đi nhiều diện tích đất sản xuất. Nhà chị Thanh ở sát mép sông, mỗi lần lũ về, sông lại khoét vào sát phần nền móng phía sau nhà, lũ lớn là cả gia đình phải sơ tán đến nơi an toàn.

Một đoạn sông được gia cố bằng đá hộc tại vị trí xung yếu

Xây dựng tuyến kè chống sạt lở tại một số vị trí trên sông Gianh qua huyện Tuyên Hóa

Hầu hết các xã ven sông Gianh thuộc huyện Tuyên Hóa đều bị sạt lở nặng, nhất là đoạn sông qua các xã: Thuận Hóa, Đức Hóa, Tiến Hóa, Thạch Hóa... Những căn nhà trước đây nằm sâu trong làng nay chênh vênh cạnh bờ sông.

Chị Hoàng Thị Huề, ở thôn Tiên Xuân, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho biết, sạt lở mỗi năm cuốn trôi từ 1,5 héc ta - 2 ha đất sản xuất nông nghiệp và đất bãi bồi trong thôn. Trước đây, khi còn ở cách xa sông, hai vợ chồng đã xây được căn nhà. Bây giờ, tình trạng sạt lở ăn sâu vào làm nứt móng nhà, ai cũng lo sợ.

Gia đình chị Hoàng Thị Huề mong tìm một chỗ an toàn để sớm tái định cư: “Chỗ nào không bồi đất lên được, nước về ngập, lũ sâu quá rồi sóng đánh vào lở hết. Khu vực nhà của tôi lở gần hết, đất lở cho càng ngày không có đất mà ở nữa, rất khổ. Chỉ mong chính quyền, nhà nước cho kè đá giữ chân đất lại để khỏi lở chứ không lở hết sạch trơn”.

Sạt lở ven sông Gianh ngày càng nghiêm trọng

Đến nay, Trung ương đã cấp cho tỉnh Quảng Bình 80 tỷ đồng để xây dựng đê kè bảo vệ những khu dân cư bị sạt lở đe dọa. Xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa là nơi xảy ra sạt lở bờ sông nghiêm trọng nhất được phân bổ dự án kè sông lên tới 73 tỷ đồng.

Ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, công trình kè vẫn chưa xây dựng xong.

“Nguyện vọng của chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn mong muốn các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công để ổn định đời sống người dân trong xã"- ông Trường nói.

Sạt lở bờ sông làm mất nhiều diện tích đất nông nghiệp

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông tại tỉnh Quảng Bình ngày một nghiêm trọng. Từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng 10 công trình kè chống xói lở với tổng chiều dài hơn 17km. Hiện toàn tỉnh còn 27 vị trí sạt lở cần được đầu tư xây kè chống sạt lở.

Sạt lở bờ sông làm mất nhiều diện tích đất nông nghiệp

Nỗi lo sạt lở mất đất sản xuất, đe dọa tính mạng, tài sản người dân sống ven sông Gianh

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, trước mắt, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, địa phương chủ động xây dựng các phương án di dời dân tới nơi ở mới, cấp kinh phí gia cố tạm những đoạn đường, kè xung yếu nhất: “Vừa rồi có nguồn vốn của WB8 nên đã thực hiện được một số đoạn, dự án xây kè. Nhưng nguồn này của giai đoạn 2016-2020 nên đã hết. Còn lại vẫn có nhiều xã chưa xây dựng được kè chống sạt lở. Nếu có nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới hoặc bên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ có thêm nguồn để thực hiện được. Giờ rà soát lại để xuất với Trung ương để xin kinh phí gia cố lại kè”./.

Theo Báo VOV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: