'Song bão' vẫn đe dọa châu Á

Đăng ngày: 18-11-2019 | Lượt xem: 1182
Ngày 17/11, các cơ quan dự báo thời tiết châu Á vẫn cho rằng, 2 cơn bão nhiệt đới mang tên Phong Thần (Fengshen) và Hải Âu (Kalmaegi) ở Tây Thái Bình Dương vẫn “luẩn quẩn” và rất có thể sẽ gia tăng sức mạnh.

Ảnh chụp vệ tinh bão nhiệt đới Phong Thần.

Theo nhà khí tượng học Chang Cheng-chuan, “song bão” này đã gia tăng sức mạnh từ áp thấp nhiệt đới thành bão nhiệt đới vào ngày 13/11. Còn theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), bão Phong Thần có sức gió 74 km/giờ, gió giật 93 km/giờ, di chuyển hướng Tây-Tây Bắc và sẽ áp sát đảo Alamagan bất cứ lúc nào.

Theo Cục Quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PAGASA), trong ngày 15/11, Phong Thần đã gia tăng sức mạnh “thành một cơn bão thực sự” vào ngày 15/11, với sức gió mạnh 110 km/giờ, gió giật 135 km/giờ. Tuy nhiên, sáng ngày 16/11, nó đã “giảm tốc”. Nhưng đến ngày 17/11, bất ngờ nó lại mạnh trở lại, di chuyển theo hướng Tây Bắc với vận tốc 35 km/giờ về phía Bắc Luzon (Philippines).

Trong khi đó, vẫn theo PAGASA, cơn bão Hải Âu tiếp tục gia tăng sức mạnh và di chuyển chậm về phía đất liền, cũng nhắm tới Luzon, với sức gió 75 km/giờ, gió giật 90 km/giờ.

Như vậy, những dự báo đều cho rằng vẫn phải thận trọng với “song bão” Phong Thần và Hải Âu, cho dù trong chiều 17/11, nó có dấu hiệu “chần chừ”- có nghĩa là tốc độ di chuyển rất chậm và cũng không xác định rõ nó đi theo hướng nào, nhưng những gì diễn ra trong vòng 1 tháng qua cho thấy, châu Á năm 2019 này chịu nhiều cơn bão “dị thường”. Trước hết nó là những cơn bão muộn. Tiếp đến, những cơn bão này khó xác định hướng đi và chúng cũng tăng tốc một cách bất thường. Những cơn bão muộn đều gây ra mưa to kéo dài khi vào đất liền trở thành áp thấp nhiệt đới. Đây được coi là một trong những biểu hiện nghịch do biến đổi khí hậu toàn cầu gây nên, mà trước hết là trên các đại dương.

Theo daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: