Ông Nguyễn Công Trẫm (ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết khu vườn của ông rộng hơn 3.000 m2 đang trồng nhiều loại cây kiểng giá trị, trong đó mai vàng chiếm số lượng lớn. Tuy nhiên, mưa trái mùa rất to mấy ngày gần đây đã làm nhiều loại sâu bệnh như rệp sáp, nhện đỏ, bọ trĩ… bùng phát, khiến mai rụng lá, có thể ra hoa sớm trước Tết.
"Nhà vườn thường trông chờ vụ Tết vì thu nhập cao hơn nên ai cũng chăm chút hoa kiểng. Tuy nhiên, mưa trái mùa và dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến phần lớn các nhà vườn ở Long Xuyên. Theo tôi biết, nhiều vườn hoa kiểng bị ảnh hưởng đến 50%. Những nhà vườn nào chăm sóc kỹ thì ít gặp sâu bệnh hơn" - ông Trẫm cho hay.
Nhiều nhà vườn ở Tiền Giang làm nhà che cho hoa kiểng Tết nên không bị ảnh hưởng bởi mưa trái mùa Ảnh: MINH SƠN
Xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo là một trong những địa phương trồng mai Tết nhiều nhất tỉnh Tiền Giang. Theo ông Trần Văn Ninh (ngụ ấp Tân Xuân, xã Xuân Đông), năm nay người trồng mai Tết nhiều khả năng thất bại vì những cơn mưa trái mùa mấy ngày qua. Ông rầu rĩ: "Chỉ trong một tuần mà mai đã rụng lá rồi ra hoa. Cũng như các năm trước, năm nay tôi trồng 100 gốc mai chờ bán Tết. Đến giờ, 2/3 số mai đã nở hoa rồi nên tôi không còn hy vọng gì nữa".
Rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay, nhiều nhà vườn ở xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã làm nhà che hoa kiểng nên hầu như không bị ảnh hưởng bởi mưa trái mùa. Tại ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong, các hộ dân đã dùng ni-lông làm nhà tiền chế che kín phía trên vườn trồng hoa kiểng Tết.
"Những năm trước, mưa bất thường làm hoa trổ sớm, không kịp bán Tết dẫn đến lỗ nặng nên năm nay, nhiều nhà vườn đã làm nhà tiền chế bằng khung sắt lợp tấm ni-lông để che cho hoa kiểng. Đến giờ này, nhà vườn vẫn bảo đảm hoa kiểng nở kịp vào dịp Tết" - ông Trần Hùng (ngụ xã Mỹ Phong) tin tưởng.
Không chỉ nhà vườn hoa kiểng, những hộ nuôi tôm cũng cảm thấy bất an vì mưa trái mùa. Chỉ tay về vuông tôm mới được gia cố, ông Nguyễn Văn Quận (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết mưa lớn cộng với triều cường gần đây đã làm ngập không ít diện tích nuôi tôm của người dân.
"Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản của gia đình, tôi và con trai dầm mưa đào đất gia cố vuông tôm nhưng đâu lại vào đấy. Triều cường cộng với mưa lớn trái mùa nhiều ngày nên nước không rút được" - ông Quận lo lắng.
Nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp cũng gặp tình trạng tương tự. Theo ông Lê Nguyễn (ngụ huyện Cái Nước), các hộ dân phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để làm ao lót bạt nuôi tôm. "Mưa trái mùa dẫn đến môi trường nước thay đổi đột ngột làm tôm bỏ ăn, mắc bệnh. Tôi phải thức trắng đêm để canh ao nuôi. Nếu không chủ động theo dõi để phát hiện kịp thời thì rất dễ trắng tay chỉ trong thời gian ngắn" - ông ưu tư.
Minh Sơn - Vĩnh Kỳ - Vân Du
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-tay-24h/thac-thom-vi-mua-trai-mua-2022121119505316.htm