Đây là thời điểm mà chúng ta nhận thức rõ ràng nhất về việc mỗi cá nhân trên toàn thế giới cần thay đổi nhận thức trong ứng xử với thiên nhiên, cùng chung tay trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Đây là lý do Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay có chủ đề “Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép”.
Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh tư liệu: Hồ Cầu/TTXVN
Hợp tác để giảm nhẹ thiên tai
Thiên tai là một trong những mối đe dọa đáng sợ nhất đối với con người. Tại Việt Nam trong những năm gần đây tác động tiêu cực của thiên tai và dịch COVID-19 cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống. Năm 2020, thiên tai tại nước ta diễn ra không theo quy luật, dị thường và khốc liệt với 16 loại hình bao gồm: 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long… Năm 2020, trên quy mô toàn quốc thiên tai đã làm 291 người chết, 64 người mất tích, 876 người bị thương, ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỷ đồng.
Còn từ đầu năm 2021 đến nay, nước ta đã xảy ra 17 loại hình thiên tai, làm 61 người chết, mất tích, 72 người bị thương, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 450 tỷ đồng.
Cùng với thiên tai, trong những tháng đầu năm 2021 đại dịch COVID-19 đã diễn ra phức tạp. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội dài ngày, tập trung mọi nguồn lực, sử dụng phần lớn dự phòng ngân sách cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên chưa có điều kiện triển khai nhiều hoạt động phòng, chống thiên tai trong tình hình mới, trong khi mùa mưa bão đang xảy ra. Đây là thách thức lớn cho công tác phòng, chống thiên tai.
Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được bắt đầu vào năm 1989 do Đại hội đồng Liên hợp quốc khởi xướng để tôn vinh các nỗ lực và văn hóa toàn cầu trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên tai và thúc đẩy mỗi cá nhân và Chính phủ các quốc gia chung tay xây dựng môi trường an toàn hơn trước thiên tai. Từ năm 2009, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tổ chức cố định vào ngày 13/10 hằng năm. ASEAN cũng lấy ngày này để kỷ niệm Ngày Quản lý thiên tai ASEAN.
Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2021 có chủ đề “Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép” nhấn mạnh đến bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với thảm họa chưa từng có là đại dịch COVID-19 và thiên tai diễn ra rất phức tạp, cực đoan. Các quốc gia, lãnh thổ đều có ảnh hưởng lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề mang tính liên quốc gia, cùng vượt qua thách thức kép là thiên tai và đại dịch COVID-19.
Đạo đức trong ứng xử với thiên nhiên
Một điểm sạt lở tại Km 400+200 trên Quốc lộ 9. Ảnh tư liệu: Thanh Thủy/TTXVN
Mới đây, tại phiên họp trực tuyến cấp bộ trưởng, Diễn đàn Bộ trưởng và Nhà chức trách Môi trường châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhận định, Trái Đất - ngôi nhà chung của con người đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất và có tính sống còn từ trước đến nay do khủng hoảng khí hậu, môi trường, sinh thái tự nhiên và đặc biệt là đại dịch COVID-19. Đây là hệ quả của mô hình phát triển thiếu bền vững của con người và mọi quốc gia, dân tộc đều đang bị đe dọa.
Không gian sinh tồn của con người gắn liền với thiên nhiên, sức khỏe của thiên nhiên chính là sức khỏe của con người nhưng con người đang hủy hoại thiên nhiên bằng nhiều hình thức, từ khai thác đến bóc lột quá mức, không bền vững, thiếu trách nhiệm trong một thời gian dài để phục vụ các mục đích kinh tế. Vì vậy, đã đến lúc phải đưa vấn đề phục hồi tự nhiên và các hệ sinh thái là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của các diễn đàn ngoại giao, chính trị, kinh tế; là tiêu chí và tiêu chuẩn đạo đức trong ứng xử với thiên nhiên, ở mọi cấp từ lãnh đạo cao nhất cho đến mọi người dân.
Trong việc ứng xử với thiên nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tâm đắc với vấn đề đạo đức của con người. Theo đó, mỗi cá nhân trên toàn thế giới cần thay đổi nhận thức trong đối xử với thiên nhiên. Các cuộc khủng hoảng thiên nhiên, môi trường hiện nay đều do các hoạt động kinh tế không bền vững của con người. Các chính sách môi trường cần phải được kết hợp, lồng ghép trong các chính sách kinh tế. Đặc biệt, bên cạnh việc kêu gọi sự đoàn kết, chung tay của các quốc gia trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai thì cần có tiêu chí và tiêu chuẩn đạo đức trong ứng xử với thiên nhiên. Các nước cần thống nhất trong tư duy, nhận thức về những vấn đề liên quan đến khủng hoảng biến đổi khí hậu, sụp đổ hệ sinh thái. Bên cạnh các công cụ chính sách và pháp luật về môi trường, các vấn đề về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cần phải được đưa thành các tiêu chí không thể thiếu, mang tính quyết định trong các chính sách kinh tế...
Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), con người có thể xây dựng, điều chỉnh cách ứng xử, hành vi của mình trong quan hệ với thiên nhiên, với môi trường xung quanh để tạo ra văn hóa môi trường. Việc nhận thức về thiên nhiên có vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến cách ứng xử của con người với môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức mới – đạo đức môi trường trong một xã hội thân thiện môi trường, lấy phát triển xanh, phát triển bền vững làm một trong các đích hướng tới.
Đạo đức môi trường không phải là một khái niệm mới mà đã được đưa ra từ tháng 6/1992, tại Tuyên bố của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển, xác nhận sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên trong một hệ thống. Tuyên bố đưa ra các nguyên tắc của đạo đức môi trường, bao gồm nguyên tắc xây dựng nền văn hóa tinh thần như một đòi hỏi về sự cân bằng giữa các mục tiêu vật chất và mục tiêu tinh thần mà loài người phấn đấu cho sự sinh tồn của mình. Nguyên tắc thứ hai là bình đẳng về môi trường giữa các quốc gia, các nhóm cộng đồng, mọi người và các thế hệ hiện tại và tương lai. Nguyên tắc thứ ba là xanh hóa khoa học và công nghệ. Cuối cùng, nguyên tắc quan trọng và rất cơ bản của đạo đức môi trường là chia sẻ trách nhiệm trong bảo vệ môi trường trong ứng xử với thiên nhiên và giữa các quốc gia, lĩnh vực, nhóm xã hội...
Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận phát triển bền vững và đang tích cực tiếp cận theo hướng chuyển đổi mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đang tạo ra những thay đổi cơ bản từ nhận thức, tư duy đến hành động trong mối quan hệ với tự nhiên, xác định nền tảng phát triển bền vững phải dựa trên sự phát triển cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và dựa trên sự tôn trọng các quy luật của nền tảng tự nhiên.
Theo Báo TTXVN