"Các hoạt động nông nghiệp, bao gồm sản xuất cây trồng, vật nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và nuôi trồng thủy sản phải đối mặt với nhiều rủi ro như biến đổi khí hậu và thị trường, sâu bệnh hại, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và khủng hoảng kéo dài” - ông José Graziano da Silva, Tổng giám đốc của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) cho biết.
Ngày 15/3, tại một hội nghị khu vực tại Hà Nội, trong sự phối hợp với FAO, Việt Nam đã đưa ra báo cáo năm 2017 về tác động của thiên tai, khủng hoảng đối với nông nghiệp và an ninh lương thực.
Báo cáo chỉ ra rằng từ năm 2005 - 2015 thiên tai đã gây tổn thất 96 tỷ USD cho các ngành nông nghiệp của các nước đang phát triển, trong đó gây thiệt hại đến mùa màng và chăn nuôi, đặc biệt 48 tỷ USD là tổn thất xảy ra ở Châu Á.
Ngư dân vùng ven biển ở Tamil Nadu, Ấn Độ lướt qua đống đổ nát ở ngôi làng của họ sau cơn sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương
"Tác động của biến đổi khí hậu sẽ càng làm trầm trọng thêm những mối đe dọa và thách thức này", ông da Silva cảnh báo.
Báo cáo cũng chỉ ra những mối đe dọa khác đang gây thiệt hại lớn cho sản xuất lương thực, an ninh lương thực và sinh kế của người dân.
"Việc giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai phải trở thành một phần không thể tách rời của nông nghiệp hiện đại", ông da Silva nhấn mạnh.
Khuôn khổ phục hồi thiên tai
Trong khi lũ lụt và bão gây tác động lớn nhất ở châu Á, hệ thống nông nghiệp ở khu vực này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, sóng thần và nhiệt độ khắc nghiệt.
Đối với Châu Phi cũng như châu Mỹ Latinh và Caribê, hạn hán là thảm hoạ gây tổn thất nặng nề nhất, với thiệt hại về cây trồng và vật nuôi tương ứng là 10,7 và 13 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2005 - 2015.
Nông dân châu Phi đã phải chịu thiệt hại hơn 6 tỷ USD trong giai đoạn đó do dịch hại côn trùng và bệnh dịch động vật.
Các quốc đảo nhỏ đang phát triển là những nơi dễ bị sóng thần, động đất, bão và lũ lụt. Theo báo cáo, thiệt hại về kinh tế của những quốc đảo này do thiên tai đã tăng từ 8,8 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2007 đến hơn 14 tỷ USD trong giai đoạn 2008-2015.
Báo cáo cũng nhắc đến các "cuộc khủng hoảng chuỗi lương thực" do bệnh dịch động vật, như Sốt Thung lũng Rift, đồng thời cũng đề cập đến giải quyết xung đột.
Một nghiên cứu trường hợp đầu tiên về tác động của xung đột ở Syria cho thấy tổng thiệt hại trong ngành nông nghiệp ở nước này trong giai đoạn 2011-2016 ở mức thấp nhất là 16 tỷ USD.
Theo báo cáo của FAO, ngành nông nghiệp hứng chịu gần 1/4 tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra từ năm 2005-2015.
“Quy mô và mức độ đe doạ đến nông nghiệp ngày càng gia tăng, điều quan trọng là phải phát triển hệ thống quản lý thiên tai và khủng hoảng thích hợp, dựa trên số liệu và bằng chứng cụ thể về cách thức thiên tai ảnh hưởng đến nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm” – báo cáo nhấn mạnh.
Ông Da Silva kết luận: "Xây dựng một khuôn khổ phục hồi thiên tai toàn diện và đầy tham vọng hơn cho nông nghiệp là rất quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững, là nền tảng cho hòa bình và thích ứng với biến đổi khí hậu”.