Thiệt hại hơn 3.000 tỷ do thiên tai trong 4 tháng đầu năm 2020
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường, trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt, bước sang mùa hè nhưng nhiệt độ ngày 24.4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ - thấp nhất 50 năm gần đây.
Liên tục các đợt dông lốc, mưa đá trên diện rộng, thời tiết cuối tháng tư giảm bất thường..., là những hình thái thiên tai bất thường, nguy hiểm báo hiệu thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp trong năm 2020.
Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); 11 trận động đất; Sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại ĐBSCL...,đã gây nhiều thiệt hại.
Tính đến hết tháng 4.2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; Trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỉ đồng.
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đầu năm nay cũng đã tạo ra một kỷ lục mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.
Gần đây nhất (25/4), dông lốc đã khiến 5 người chết, 10.330 ngôi nhà nhà bị tốc mái, hư hỏng. Tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên. Khoảng 919 ha lúa bị đổ gãy; 2.710 ha hoa màu bị đổ, dập nát; 652 ha cây ăn quả bị hư hỏng; 32 công trình phụ, hội trường, nhà văn hóa bị hư hại. Ước tính tổng thiệt hại 130,6 tỷ đồng.
Hôm nay (15/5) tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.
Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham gia của khoảng 1.600 đại biểu, nhằm đánh giá toàn diện công tác phòng, chống thiên tai năm 2019, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua;
Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.
Theo baogiaothong.vn