Thiếu nước và hạn hán khốc liệt ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế

Đăng ngày: 22-05-2020 | Lượt xem: 1620
Nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân các tỉnh Bắc Trung bộ.

Nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân các tỉnh Bắc Trung bộ. Tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, những ngày qua có mưa dông nhưng tình hình khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất vụ Hè-Thu vẫn chưa được cải thiện.

thua thien hue: thieu nuoc va han han khoc liet o huyen a luoi hinh 1
Bà con đồng bào A Lưới bát đầu gieo sạ vụ Hè-Thu.

Ông Hồ Văn Na, ở thôn A Ngo, xã A Ngo, huyện A Lưới cho biết: hạn hán kéo dài suốt thời gian qua làm nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn thiếu trầm trọng. Vụ Hè-Thu này, gia đình ông đã gieo sạ 4 sào lúa nước nhưng không hy vọng thu hoạch, vì đều trông nhờ vào nước trời.

Ông Na nói: "Bà con ở đây rất lo lắng, nhưng không làm cũng không được. Hơn nữa, bà con ở đây chỉ có làm ruộng thôi, dựa vào đồng ruộng là chính. Không làm lỡ có mưa là đói, cũng khó khăn cho nên phải cố gắng làm lúc có mưa là phải tranh thủ, thà là sau này hạn hán thì vứt thôi, bỏ thôi, chứ không biết làm sao nữa".

thua thien hue: thieu nuoc va han han khoc liet o huyen a luoi hinh 2
Mực nước ở hồ thủy lợi A Lá ở xã A Ngo xuống rất thấp.

Xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 100 ha lúa nước. Do nắng hạn kéo dài, các ao hồ, đập dâng, sông suối khô cạn, vụ Đông Xuân vừa qua, gần 10 ha lúa bị khô hạn và mất trắng. Ông Nguyễn Đức, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, hiện xã đang huy động các nguồn lực đắp đập dã chiến, nạo vét các hệ thống kênh mương. Xã vận động người dân chuyển đổi gần 10 ha lúa nước bị hạn nặng sang trồng cây hoa màu khác như ngô, đậu.

 

Ông Đức nói: "Trước tình hình hạn hán kéo dài, xã đã tập trung vận động nhân dân là vụ Hè-Thu này chuyển diện tích đất hạn hán hiện nay sang một số cây trồng màu khác, đặc biệt là vận động nhân dân chuyến đổi sang trồng chuối hàng hóa theo đề án của huyện. Xã đã rà soát tất cả các diện tích đất thuộc diện vụ hè thu này không có khả năng đảm bảo nguồn nước để gieo cấy, trình UBND huyện xin chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng".

Huyện miền núi A Lưới hiện có 86 công trình thuỷ lợi, phần lớn là tạm thời, bán kiên cố. Nhiều công trình đầu tư xây dựng đã khá lâu, nay đã xuống cấp, hư hỏng. Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, việc đầu tư hệ thống thuỷ lợi tại huyện A Lưới rất khó khăn khi diện tích trồng lúa nằm rải rác, không tập trung. Trước mắt, để tránh thiệt hại, vụ hè thu này, huyện sẽ kiên quyết vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Ông Ngưm cho biết: "Huyện chỉ đạo số diện tích không thể có nước tưới thì cho chuyển đổi sang cây trồng khác có thể phát triển qua cây ngô, cây họ đậu phù hợp với điều kiện thời tiết và phù hợp với thời vụ. Chủ trương của huyện một là thà bỏ hoang, hai là phải chuyển đổi vùng khô hạn nếu không thì vừa mất công mà không có thu hoạch vừa chi phí lớn".

thua thien hue: thieu nuoc va han han khoc liet o huyen a luoi hinh 3
Ngay từ đầu vụ Hè-Thu ở huyện A Lưới đã thiếu nước.

Trước tình hình nắng hạn gay gắt, tỉnh thừa Thiên Huế đang chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí để triển khai nạo vét các kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông suối vào hệ thống kênh mương nội đồng để chống hạn cho diện tích gieo trồng…

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế cho biết, đối với huyện A Lưới tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi gần 300 ha lúa nước sang các cây trồng chịu hạn khác, diện tích còn lại huy động lực lượng nạo vét hệ thống kênh, thủy lợi và tích trữ nước

"Việc đầu tiên là tính toán chuyển đổi các vùng không có nước, vùng mà không có thủy lợi và lên kế hoạch chi tiết cụ thể điều chỉnh mùa vụ, chuyển sang những cây trồng chịu hạn tốt. Sử dụng nước tiết kiệm. Ở kịch bản xa hơn thì tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi, kênh mương, các công trình đầu mối", ông Phương nói./.

Theo vov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: