Mưa đá gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu ở Lai Châu.
Mưa lớn, mật độ đá dày
Sáng 3/3, mưa đá lớn xuất hiện tại 3 xã vùng cao Dào San, Tung Qua Lìn, Mù Sang và kéo dài khoảng 30 phút với kích thước hạt đá hơn 2cm khiến nhiều ngôi nhà bị thủng mái, diện tích lớn hoa màu bị hư hỏng; độ dày của hạt đá trên mặt đất lên tới gần 10 cm nên ảnh hưởng lớn đến giao thông. Theo người dân, mưa đá thường xuyên xuất hiện trên địa bàn, nhưng đây là lần đầu tiên mưa đá lớn với mật độ dày như vậy. Trước đó, thành phố Lai Châu, huyện Mường Tè cũng gặp mưa đá, dông lốc, gây thiệt hại nhiều về nhà cửa, cây cối, hoa màu.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết, tính đến 14 giờ 30 ngày 3/3, mưa đá, gió lốc đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương. Trong đó, thống kê tại huyện Tân Uyên và Phong Thổ đã có hơn 530 hộ bị bay mái nhà và vỡ ngói; hơn 70 ha lúa, chè và hoa màu bị dập nát... ước tính thiệt hại trên 6 tỷ đồng.
Còn tại Yên Bái, 5 người bị thương do vật liệu và cây đổ, 1 người bị thương trong quá trình huy động tham gia cứu hộ khắc phục thiệt hại do giông lốc gây ra.
Sau trận mưa, toàn tỉnh có 3.498 nhà bị thiệt hại, trong đó, 4 nhà bị sập đổ hoàn toàn tại huyện Yên Bình và 3.494 nhà bị tốc mái. Bên cạnh đó, có 16 trường học bị tốc mái, hư hỏng đồ dùng học tập; 8 cơ quan, công trình, nhà văn hóa bị tốc mái, hư hỏng. Tổng diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại là 146,8 ha, 1 lồng cá bị thiệt hại ở huyện Yên Bình. Ngoài ra, còn có 279 cây xanh đô thị bị đổ gẫy; 8 xe ô tô bị hư hỏng do cây đè; 32 cột điện và 5 cột đèn trang trí bị đổ gẫy ở thành phố Yên Bái.
Cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa rào và dông kèm theo sét. Đặc biệt, tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, sét đánh trạm biến áp gây phóng điện làm chết 1 người và 10 người bị thương, trong đó có 5 người bị thương nặng. Nạn nhân bị thiệt mạng là anh Ly Mí Sính, sinh năm 1994.Mưa dông cũng gây thiệt hại về nhà ở và hoa màu tại thành phố Hà Giang và các huyện Hoàng Su Phì, huyện Đồng Văn, Xín Mần.
Tại Cao Bằng cũng xuất hiện mưa to kèm tố lốc, mưa đá trên diện rộng. Mưa đá và tố lốc xuất hiện nhiều ở các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc khiến nhiều nhà dân bị tốc, vỡ mái ngói. Tại thành phố Cao Bằng, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ trên nhiều tuyến phố khiến giao thông bị tắc nghẽn trong nhiều giờ; một số cây lớn bị gãy đổ, gây ách tắc giao thông, đứt dây điện, mất điện cục bộ tại một số khu vực. Tại xóm Na Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, một cành cây lớn gãy đổ, đè nát 7 chiếc xe máy của người dân.
Mưa đá gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu.
Sự bất thường đã được dự báo
Trước diễn biến bất thường của thời tiết tại miền Bắc, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, những gì đã diễn ra lúc này đã được giới chuyên gia, nhà nghiên cứu về khí tượng thủy văn dự báo từ trước. Cụ thể, theo dự báo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu hàng đầu của Việt Nam, năm 2020 sẽ xảy ra hiện tượng thời tiết bất thường. Và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và bị tác động nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Dự báo trong những tháng nửa đầu năm 2020, hiện tượng ENSO tiếp tục ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020.
Trước đó, tại một cuộc tọa đàm liên quan đến vấn đề này, GS. TS Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã từng nhận định, những năm gần đây, xu thế diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, phức tạp, khó lường, khí hậu ngày càng nóng, khô, mưa bão nhiều... Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết, khí hậu bất thường như băng giá, mưa đá xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực sâu vào đất liền ở các tỉnh phía Nam là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang tác động nặng nề đến môi trường Việt Nam.
Giới chuyên gia cho rằng, với tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, bất thường hiện nay, việc dự báo thời tiết đúng và chính xác đóng vai trò quan trọng nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra đối với đời sống của người dân.
Người dân cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá vào thời kỳ chuyển mùa tháng 3, 4, và tháng 5 trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, nhìn chung đầu năm mưa sẽ ít, thiếu nước. Về cuối năm dự báo hoạt động của bão sẽ nhiều và mưa cũng sẽ tương đối lớn và dồn dập ở khu vực miền Trung. Do đó là phải hết sức cảnh giác ứng phó với tình trạng thiếu nước vào đầu năm, sau đó là tình trạng mưa bão ở giữa và cuối năm. (Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)
Theo daidoanket.vn