Thời tiết dị thường gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm
Đăng ngày: 23-05-2019 | Lượt xem: 1044
Thời tiết dị thường, cực đoan, trái quy luật cực đoan ngày càng phổ biến, diễn ra nhiều nơi… đã gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm ở Việt Nam. Ngành nông nghiệp cũng “oằn mình” trước sức tàn phá của thiên tai, dịch bệnh…
Nhiều kỷ lục, bất thường
Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, những năm gần đây, thiên tai xảy ra dồn dập với cường độ lớn, phạm vi rộng, gây tổn thất lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân. Trung bình mỗi năm thiên tai đã làm khoảng 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng từ 1-1.5% GDP.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Phòng chống Thiên tai cho biết, những dạng hình thời tiết dị thường, khắc nghiệt, ngoài quy luật ngày càng nhiều, khó lường hơn.
Nhắc lại những tổn thất về thiên tai gần đây, ông Sơn cho biết, năm 2016, những trận thiên tai được ghi nhận đạt mức lịch sử như hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ diễn ra gay gắt nhất trong vòng 90 năm qua. Lũ lớn liên tiếp xuất hiện ở các tỉnh miền Trung, đạt mức tương đương lũ lịch sử. Đây cũng là năm thiên tai làm 264 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 40.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sang năm 2017, những kỷ lục thiên tai liên tục được xác lập khi làm 386 người chết và mất tích, “cuốn trôi” khoảng 60.000 tỷ đồng. Có đến 22 đợt thiên tai có cấp độ rủi ro từ cấp 3 trở lên với số lượng kỷ lục 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, lượng mưa có nơi trên 4.700 mm…lần đầu tiên hồ Hòa Bình phải vận hành tới 8/12 cửa xả.
Theo ông Sơn, năm 2018, dù thiên tai không dồn dập và khốc liệt như năm 2017, nhưng là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền trên cả nước. Có 16/21 hình thái thiên tai xuất hiện tại Việt Nam, làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế là 20.000 tỷ.
Ông Sơn cũng cho biết, năm nay, dự báo bão sẽ đến chậm hơn trung bình nhiều năm, với số lượng 10-15 cơn bão, áp thấp nhiệt đới vào biển Đông, trong đó có 4-5 cơn bão có khả năng tác động đến đất liền nước ta.
Lãnh đạo Tổng cục Thiên tai cũng lưu ý, vấn đề dự báo, cảnh báo là khâu quyết định, nếu chính xác, kịp thời sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác ứng phó. “Thời gian qua, dự báo bão làm khá tốt. Tuy nhiên, do còn hạn chế về công nghệ, nguồn lực, nên một số dự báo về định lượng mưa, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất…chưa đáp ứng được yêu cầu” - ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, biến đổi dị thường thời tiết tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có vấn đề chất lượng, sản lượng nông sản. Đến nay, dự báo thời tiết cực đoan rất khó, nên cơ quan khí tượng chỉ đưa ra cảnh báo để phòng ngừa, chứ không chỉ ra được cụ thể khu vực nào. “Với nông nghiệp, cần một dự báo mang tính dài hạn, để ngành còn xoay xở mùa vụ. Việc này rất cốt lõi, quan trọng”- ông Sơn nói.
Áp lực trước sức tàn phá của dịch bệnh
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Thực phẩm và Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco)- DN xuất khẩu nông sản cho biết, sự thay đổi bất thường thời tiết đã tác động mùa vụ, sản lượng, chất lượng các loại nông sản.
“Khi thời tiết biến đổi bất thường, kéo các loại sâu bệnh mới xuất hiện, từ đó nông dân sử dụng nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật, việc kiểm soát về chất lượng cũng khó khăn hơn”- ông Khuê nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Trung, Cục trưởng BVTV (Bộ NN&PTNT), cảnh báo, với thời tiết cứ thay đổi “loạn xì ngầu” như thời gian qua, sẽ làm thay đổi quy luật phát triển bình thường của sâu bệnh.
“Cứ mưa - nắng xen kẽ, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, là điều kiện vô cùng lý tưởng cho bệnh đạo ôn cổ bông, đạo ôn lá phát triển. Bệnh này đã “dính” rồi, thì không chữa được, chỉ có cách phòng. Vừa qua nếu không chỉ đạo sát ở các tỉnh phía Bắc như: Thái Bình, Nam Định... kịp thời, thì nó hoành hành rất lớn rồi”- ông Trung nói.
Cục trưởng BVTV cũng cho biết, đối với rầy, sâu cuốn lá, nắng nóng như vừa rồi sẽ rút ngắn thời gian phát dục của các loại sâu này, do vậy nếu không kiểm tra sâu sát trên đồng ruộng, sẽ bị “cháy” rầy lập tức.
“Ứng phó với biến đổi thời tiết bất thường, quan trọng là tính chủ động, dự tính dự báo sâu bệnh ở các địa phương. Hiện ở nhiều tỉnh, giống như thú y, hệ thống BVTV ở cấp huyện, tỉnh bị nhập vào các trung tâm, sẽ mất tính chủ động. Nếu không duy trì được hệ thống phòng chống dịch bệnh, không trước thì sau, dịch bệnh sẽ gây hại lớn”- ông Trung cảnh báo.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường, Quyền Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), với tiết lúc nắng nóng gay gắt kéo dài, lúc trời lại âm u, bão lũ…rõ ràng ảnh hưởng đến sinh trưởng đến các loại cây trồng, từ đó tác động đến năng suất, sản lượng.
Theo ông Cường, Cục đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi, các địa phương đánh giá nguồn nước dự trữ từng khu vực, thượng nguồn… Cùng với dự báo lượng mưa, xây dựng phương án khung thời vụ, cơ cấu giống, phương án tưới tiêu từng giai đoạn.
Theo Báo Tiền Phong