Về thông tin dự báo thời tiết
- Dự báo, từ nay đến khoảng tháng 5/2021 ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông; tháng 6/2021 bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4-6/2021) đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
- Nhiệt độ trung bình từ tháng 4-6/2021 trên cả nước phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN).
- Lượng mưa: Khu vực Bắc Bộ: tổng lượng mưa từ tháng 4-5/2021 phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN. Khu vực Trung Bộ: tổng lượng mưa phổ biến cao hơn TBNN từ 10-20%; sang tháng 6/2021 tổng lượng mưa ở khu vực xấp xỉ so với TBNN. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: trong các tháng 4-5/2021 tổng lượng mưa cao hơn TBNN từ 10-20%; tháng 6/2021 tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với TBNN. Mùa mưa có khả năng đến sớm trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ khoảng nửa cuối tháng 4 sang nửa đầu tháng 5/2021.
- Thủy, hải văn: Khu vực Bắc Bộ: từ tháng 4-6/2021, nguồn nước trên các
lưu vực sông phổ biến thiếu hụt từ 20-30%. Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên: Lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15-40%; Trong tháng 4/2021, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ, tình trạng khô hạn gay gắt hơn tại những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Khu vực Nam Bộ: Từ nay đến cuối tháng 4/2021, tại Đồng bằng sông Cửu Long khả năng xuất hiện thêm 03-04 đợt xâm nhập mặn tăng cao, ở cửa sông Cửu Long. Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường còn nhiều biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhập kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Từ nay đến tháng 5/2021 tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện đợt triều cường vào các ngày 28/4-01/5/2021. Từ tháng 6/2021, do có khả năng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ở vùng biển ngoài khơi khu vực phía nam song biển có thể đạt 2-3m gây biển động.
2. Về mùa vụ trồng rừng
a) Căn cứ cơ sở dữ liệu theo dõi của Tổng cục Lâm nghiệp, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 là mùa trồng rừng vụ Xuân Hè của hầu hết các tỉnh trong cả nước
b) Một số loài cây trồng lâm nghiệp chủ yếu:
- Cây mọc nhanh: các loài Keo, Bạch đàn, Mỡ, Bồ đề, Xoan, Tông dù, Tếch, Muồng, Xà cừ,...
- Cây bản địa: Lát hoa, Sa mộc, Vối thuốc, Lim xanh, Re gừng, Thông nhựa, Tống quá sủ, Sao đen, Chò chỉ,...
- Cây lâm sản ngoài gỗ: Sơn Tra, Quế, Hồi, Trẩu, Trám, Mây nếp, Luồng, Tre Bát độ, Giổi xanh, Mắc ca, Cọ khiết, Long não,...
- Cây trồng ven biển: Bần, Trang, Sú, Đước, Mắm, Cóc, Tràm, Phi lao,...
c) Một số yêu cầu kỹ thuật:
- Căn cứ kế hoạch phát triển rừng được giao năm 2021 và dự báo khí tượng thủy văn, mùa vụ trồng rừng nêu trên, các tỉnh chủ động chuẩn bị cây giống đủ số lượng, bảo đảm chất lượng tốt; kiểm soát nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp
theo quy định. Khảo sát, chuẩn bị hiện trường, thiết kế trồng rừng bảo đảm kỹ thuật.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.
- Tổ chức triển khai rà soát, xác định quỹ đất, xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn) hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.
- Xử lý thực bì, cuốc hố, lấp hố, trồng cây, chăm sóc, bón phân,...đúng hướng dẫn kỹ thuật đối với từng loài cây.
- Tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi, trồng rừng vào những ngày râm mát, có mưa ẩm để đảm bảo cây trồng đạt tỷ lệ cây sống cao; không trồng vào những ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài hoặc mưa lũ lớn; trồng rừng ngập mặn vào thời điểm ít có gió mạnh, sóng biển thấp và thủy triều rút.
- Chú ý phòng trừ một số loài sâu bệnh hại chủ yếu như: bệnh lở cổ rễ, rơm lá Thông, sâu róm Thông; sâu ăn lá Keo, Mỡ, Bồ đề, Quế; bệnh khô lá Sa Mộc; khô lá, đốm lá, sâu cánh cứng hại Hồi; dế, mối ăn cây non, sâu kèn, bệnh phấn
trắng và nấm Ceratosystis trên cây Keo; virus thối rễ, mối, xén róc, dế ăn cây Bạch đàn; thối cổ rễ, sâu ăn lá, đục quả Sơn tra (Táo mèo); thối măng, sâu vòi voi hại măng Luồng, tre Bát Độ; sâu trắng gây u bướu, con Hà bám thân, cành cây Trang, Bần, Sú, Đước vòi, Mắm; bệnh rỉ sắt cây Tông dù, Cọ Khiết; sâu ăn lá, mối cây Re, Long Não; sâu ăn lá, dế, mối ăn lá Re, Lát hoa; sâu vòi voi xanh hại Trám; sâu đo hại Lim xanh; sâu đục thân, rệp sáp, sâu ăn lá Phi Lao; bệnh thán thư Bời lời; sâu cuốn lá, ve sầu hại Sao đen; sâu đục thân Xà cừ, Dầu rái,...
Tạp chí KTTV