Huế đang mưa, mực nước trên sông Bồ đã trên mức báo động 1
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao và rìa phía bắc của rãnh áp thấp nối với áp thấp nhiệt đới (đã mạnh lên thành bão số 1) nên từ tối ngày 28/12/2018 đến nay, ở Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Dự báo mưa sẽ còn kéo dài đến ngày 4/1, điều này đã và đang gây ra nhiều thiệt hại nặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sạt lở nặng
Ghi nhận của PV, sóng to, triều cường, kết hợp nước dâng nên đã làm bờ biển tiếp tục sạt lở nặng tại khu vực xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc)với chiều dài khoảng 2,7km; khu vực bở biển ở thôn Thái Dương Hạ Bắc (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) bị sạt lở với chiều dài khoảng 200m, sâu vào 10- 15m. Tại khu vực kè thôn An Dương (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) đã được đầu tư xây dựng trong năm 2015 và các khu vực tiếp giáp hai khoá đầu kè, phần chưa được đầu tư xây dựng bị sạt lở với chiều dài 2km, xói sâu vào 5-8m. Sạt lở bờ biển đoạn quan xã Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang) với tổng chiều dài khoảng 2km.
Trong khi đó, do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, nước sông lên xuống nhanh và đột ngột, dòng chảy ngầm lớn tạo nên các cung trượt đã tiếp tục gây sạt lở các bờ sông với tổng chiều dài 8,83km, cụ thể như sông Hương đoạn qua thôn La Khê Trẹm (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) với chiều dài 170m bị sạt lở nặng, mất đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến trường tiểu học số 1 Hương Thọ. Hư hỏng kè trên sông Đông Ba nhiều vị trí (11 vị trí) với tổng chiều dài khoảng 500m. Đoạn qua tổ dân phố 3 phường Hương Hồ với chiều dài 300m.
Bờ biển xã Vinh Hải sạt lở nặng nề
Bờ sông Bồ cũng sạt lở với tổng chiều dài 2,25km, trong đó đoạn qua phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) bị sạt lở ăn sâu vào mép đường nhựa nội thị ở 2 vị trí với tổng chiều dài 200m ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông. Đoạn sát tỉnh lộ 8A đoạn qua thôn Niêm Phò (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) bị sạt lở với chiều dài 50m vào sát đường bê tông.
Sạt lở sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương) tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 0,5m, dài 100m (đoạn chưa kịp gia cố thuộc Dự án kè chống sạt lở sông Bù Lu). Sạt lở sông Ô Lâu với tổng chiều dài 5km, trong đó: đoạn qua xã Phong Thu, Phong Hòa bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 2km; xói chân ở đê Đông Tây Ô Lâu đoạn qua xã Điền Lộc, Phong Chương với tổng chiều dài 3km…
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông tin thêm, lúa mới gieo sạ đã bị ngập 530ha, chủ yếu là giống lúa dài ngày; rau màu bị ngập úng, hư hại trên 70%, khoai lang bị hư hại trên 70%. Có 1 hồ tôm 3.000m2 bị vỡ đê bao làm trôi khoản 10 tấn tôm đang nuôi tại xã Điền Hòa (huyện Phong Điền). Do triều cường lớn đã làm đê bao nội đồng bị sạt lở, xuống cấp tập trung tại các vùng trũng như: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà. Mưa lớn kéo dài đã làm nhiều tuyến Quốc lộ (Quốc lộ 1A, 49B..), tỉnh lộ, đường giao thông địa phương bị bong tróc, hư hỏng mặt đường khiến việc đi lại khó khăn.
Tìm cách khắc phục hậu quả
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ; thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du (đặc biệt là thủy điện A Lưới và hồ Hương Điền), tuân thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để chủ động ứng phó và phục vụ sản xuất.
Các hồ thủy điện tại Thừa Thiên Huế đang xả lũ, nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du
Văn phòng thường trực thường xuyên fax, nhắn tin, chuyển mail, đưa lên hệ thống mạng xã hội của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, các công điện chỉ đạo các địa phương để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin liên lạc đài trực canh để thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của gió mạnh để chủ động phòng tránh. Hiện toàn bộ tàu thuyền đã vào bờ an toàn.
Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, để khắc phục hậu quả của đợt mưa lớn vừa qua, đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2019, Văn phòng đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí xử lý khẩn cấp các đoạn bờ sông, bờ biển bị sát lở nghiêm trọng như: kè chống sạt lở bờ biển xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) với chiều dài khoảng 500m, kinh phí dự kiến khoản 5 tỷ đồng để đảm bảo giao thông, phục vụ sản xuất nông nghiệp; các đoạn kè sông bị hư hại năng trên sông Hương, sông Bồ. Chỉ đạo chủ đầu tư các công trình, dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển đã được phê duyệt trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh khẩn trương tiến hành thi công theo quyết định đã được phê duyệt.
“Trong điều kiện khả năng cân đối ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, ngoài huy động nguồn lực tại địa phương, Văn phòng đề nghị UBND tỉnh đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ cho tỉnh một số nội dung như đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ 5 tấn giống rau các loại. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư hoàn thành nâng cấp, kiên có hóa 116 km đê biển, đầm phá đảm bảo chống lũ tiểu mãn, lũ sớm và ngăn mặn giữ ngọt. Hỗ trợ xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bao kết hợp giao thông nội đồng với chiều dài trên 50km...”, ông Hùng thông tin.
Nguồn: Báo TN&MT