Mưa lũ trái mùa xảy ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng, trong đó ngành nông nghiệp bị nặng nhất.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 20.834ha diện tích lúa vụ Đông Xuân bị ngập úng, trong đó khoảng khoảng 17.748ha bị ảnh hưởng trên 70%, diện tích còn lại bị ảnh hưởng từ 30-70%. Do lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, sức chống chịu ngập úng của loại cây trồng này kém, lại bị ngập sâu trong nước 4 ngày nên 17.748ha lúa kể trên có khả năng mất trắng.
Theo thống kê ban đầu, tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ước khoảng trên 966 tỷ đồng, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là lĩnh vực nông nghiệp với khoảng hơn 935 tỷ đồng, còn lại là các lĩnh vực thủy lợi, giao thông…
Đây là đợt mưa có lượng mưa và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng trên sông Ô Lâu (khu vực tỉnh Quảng Trị đã xảy ra đợt lũ lớn), sông Bồ, sông Hương, sông Nong, sông Truồi, Bù Lu. Tại khu vực hạ du do thủy triều dâng cao +1,04m, các sông, hói bị bồi lắng, gây khó khăn cho việc thoát lũ, làm cho mực nước trên sông dâng cao, xuống chậm gây ngập, tràn bờ vùng, đê bao nội đồng...
Để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất cho người dân trong điều kiện khả năng cân đối ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và các bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ trước mắt cho địa phương 1.500 tấn giống lúa ngắn ngày và cực ngắn (bao gồm HN6, Khang Dân 18, HT1, ĐT 100); 10 tấn hạt giống rau và 5 tấn giống ngô LVN61; 2.000 tấn gạo để hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai.
Mưa lũ bất thường đã gây ra ngập lụt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hỗ trợ kinh phí tiêu úng khoảng 7 tỉ đồng; 100 tỉ đồng để tu bổ, sửa chữa các công trình dân sinh, thủy lợi, đê điều phục sản xuất. Về lâu dài tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị sớm triển khai đầu tư xây dựng hồ Ô Lâu Thượng tại huyện Phong Điền, khai xây dựng hồ chứa nước Thủy Cam (huyện Phú Lộc), nâng cấp sửa chữa đập Thảo Long, Cửa Lác; tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp hệ thống đê ven phá Tam Giang-Cầu Hai theo chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ.
Tại cuộc họp về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương ghi nhận và biểu dương các địa phương, các ngành đã bám sát hiện trường, chủ động trong công tác ứng phó với đợt mưa lớn vừa qua, qua đó đã góp phần giảm đi các thiệt hại cũng như kịp thời hỗ trợ người dân có nhà bị tốc mài, hoa màu bị ngập úng,…
Trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng. Tuy nhiên, nhờ vào hệ thống các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và công tác vận hành hiệu quả nên đã góp phần cắt lũ cho các địa phương, hạn chế tối đa đỉnh lũ.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban ngành địa phương huy động tổng lực, tổ chức tiêu úng thoát nước một cách khoa học, nhanh các điện tích hoa màu còn lại, có thể cứu với tinh thần “còn nước còn tát”. Tăng cường bố trí cán bộ phụ trách từng địa bàn, thường xuyên theo dõi tình hình ngập úng và các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, thống kê các thiệt hại cũng như đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ lương thực cho những người dân bị thiệt hại trong đợt mưa lớn vừa qua. Trong đó phải thống kê cụ thể bao nhiêu hộ, số người, diện tích hoa màu bị mất để kịp thời hỗ trợ, tuyệt đối không để người dân thiếu đói. Đồng thời chủ động, hỗ trợ giống cây trồng cho người nông dân trong vụ mùa tiếp theo.
Thùy Nhung