Lúa thiếu nước, khô cháy
Theo Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, vụ Đông Xuân năm 2018 - 2019 này, cây lúa có diện tích gieo cấy khoảng 28.687 ha, đến nay đã gieo khoảng 28.293 ha, diện tích còn lại khoảng 394 ha. Lúa đông xuân chính vụ đã trổ khoảng 11.500 ha, diện tích còn lại đang giai đoạn làm đòng chuẩn bị trổ.
Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng ElNino, nắng nóng xảy ra trên diện rộng, kéo dài với nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, bốc hơi nhanh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hầu như không có mưa, nhiệt độ trung bình tháng 2 cao hơn trung bình nhiều năm từ 3,2 đến 3,5 độ C và dao động từ 24 đến 25 độ C ở vùng Đồng Bằng và Nam Đông, vùng núi A Lưới từ 21 đến 22 độ C. Vì vậy, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 57 ha lúa bị hạn nặng, khô cháy không có khả năng phục hồi. Diện tích lúa đang bị thiếu nước nặng, ruộng khô, nứt nẻ có khoảng 110 ha.
Ghi nhận của PV tại thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang) đầu tháng 4 này, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt. Nhiều đồng lúa đang chết cháy, bạc cánh đồng dọc theo những cánh đồng lúa ở tổ dân phố Viễn Trình, Lương Viện...
Còn tại huyện A Lưới có hơn 80 ha bị hạn tập trung ở xã Hồng Quảng, A Ngo, Phú Vinh. Huyện Nam Đông có 30 ha lúa bị hạn tập trung ở các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Hữu, Hương Hòa.
Với nguồn nước trữ hiện tại và thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặt, dự báo diện tích lúa khả năng bị hạn cuối vụ Đông Xuân khoảng 600 ha tập trung ở các vùng cuối kênh tưới, các diện tích nằm ở các hồ, đập thủy lợi có dung tích nhỏ ở vùng gò đồi, vùng núi, vùng cát ven biển.
Trong khi đó, tình hình sinh vật gây hại trên lúa phát triển gây hại gia tăng về diện tích, mức độ gây hại so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt chuột gây hại trên diện rộng. Sâu cuốn la diện tích nhiễm trên 1.263 ha mật độ 10-20 con/m2.
Ông Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, do thời tiết khô hạn, nhiều tháng không có mưa nên đã gây thiếu nước ở những vùng không chủ động được nguồn nước như ở ven biển và đầm phá.
“Hiện nay đã có 52 ha lúa do thiếu nước đã bị cháy và mất trắng. Nếu từ đây đến cuối vụ nếu không có mưa thì diện tích mất trắng của huyện sẽ lên đến 92 ha trong đó Phú Đa khoảng 80 ha, Vinh An 12 ha...”- ông Chính cho hay.
Trước thực trạng nêu trên, các địa phương đều cho rằng, giải pháp căn cơ để ứng phó hạn hán, xâm nhiễm mặn là tiến hành nạo vét các sông, hói, lòng hồ, kênh mương chính dẫn nước, vớt bèo để khơi thông dòng chảy các sông... Tuy nhiên, các công trình thủy lợi ở một số địa phương do đã xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng như thị xã Hương Trà, huyện Nam Đông, A Lưới… Bên cạnh, các diện tích lúa không có đủ nguồn nước để tưới tiêu thì hiện nay tình hình sinh vật gây hại cây lúa cũng phát triển mạnh.
Tìm giải pháp
Theo ông Phan Thanh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thừa Thiên Huế, hiện mực nước các thủy điện và hồ thủy lợi biến động không nhiều, tổng dung tích hữu ích của các hồ thủy lợi và thủy điện đạt 754/1.120 triệu m3 (đạt 65% dung tích). Trong đó, tổng dung tích hữu ích của 3 hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hương đạt 674 triệu m3, tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa vừa và nhỏ đạt 80 triệu m3. Với lưu lượng nước hiện nay của 3 hồ chứa trên lưu vực sông Hương có thể đảm bảo duy trì dòng chảy liên tục về sông Hương khoảng 43m3/s cho đến cuối tháng 9. Vì thế, công tác chống hạn ở những vùng cuối nguồn nước, vùng nhiễm mặn ven phá, vùng cao… phải được các địa phương triển khai đồng bộ, hạn chế thiệt hại xảy ra.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, để chủ động đối phó với hạn hán, xâm nhiễm mặn các địa phương cần khẩn trương đắp các đập tạm ở khe, suối, vét các ao hồ, kênh rạch vùng ven đầm phá để lấy nước ngọt và lắp đặt các máy bơm dầu, bơm điện để bơm chuyền đến các diện tích thiếu nguồn nước. Đồng thời tiếp tục lồng ghép chương trình ngày “Chủ nhật xanh” để duy trì nạo vét, khơi thông dòng chảy các sông, hói, kênh mương cũng như tiến hành sửa chữa các kênh mương, thiết bị… để chủ động trong việc lấy nước khi cần thiết.
“Đối với các diện tích bị sinh vật gây hại thì các địa phương tăng cường bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sinh vật gây hại để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, đặc biệt quan tâm rầy nâu giai đoạn cuối vụ nhằm bảo vệ sản xuất lúa Đông Xuân 2018-2019...”- ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, thời gian tới đặc biệt là vụ Hè thu năm 2019, yêu cầu các địa phương cần có kế hoạch điều chỉnh lịch thời vụ và cơ cấu lại giống cây trồng cho phù hợp với tình hình từng địa phương. Trong đó chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các diện tích không đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa Hè thu năm 2019 và các năm tiếp theo...
Theo Báo TN&MT