Thúc đẩy các hành động giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí

Đăng ngày: 13-12-2023 | Lượt xem: 1553
Hà Nội đang ở những ngày giữa mùa Đông. Tuy nhiên, thời tiết không những không lạnh, người Hà Nội còn phải sống trong cảnh mờ mịt sương mù và bụi mịn của những ngày ô nhiễm không khí cấp báo động.
Các tòa cao tầng ở Hà Nội bị sương mù bao phủ, tầm nhìn bị hạn chế. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Các tòa cao tầng ở Hà Nội bị sương mù bao phủ, tầm nhìn bị hạn chế. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Ngày 9/12, trên facebook cá nhân, anh Dương Hồng Hà, cư dân Ocean Park đăng status hài hước "Chỉ cần sống ở các tầng trên cùng của Ocean Park tha hồ săn mây, sao phải đi Tà Xùa?" kèm bức hình các tòa chung cư cao tầng mịt mù trong sương trắng đặc. Thực tế cho thấy mức độ nguy hại của tình trạng ô nhiễm không khí đòi hỏi Hà Nội cần triển khai tích cực các giải pháp chủ động ứng phó nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chỉ số ô nhiễm tăng cao

Hơn một tuần trở lại đây, ngay từ sáng sớm, Hà Nội đã "chìm" trong bầu không khí mịt mù của sương và khói bụi. Điều này rõ nhất đối với những người sống ở các tòa nhà chung cư cao tầng. Từ trên cao, người dân có thể nhìn thấy một màn sương mù bao trùm khắp các khu vực xung quanh tòa nhà. Tình trạng bụi mù kéo dài phủ khắp thành phố ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân, nhất là các khu vực như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm...

Theo ứng dụng IQAir, mức ô nhiễm không khí được đánh giá không tốt cho các nhóm nhạy cảm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội trong tuần qua luôn ở mức có hại (đỏ) và mức rất có hại (tím). Tác nhân gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5, loại bụi có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi cũng như đi trực tiếp vào máu, tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi. Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 10.5 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tiêu chuẩn quốc gia (ngưỡng an toàn đối với bụi mịn PM2.5 theo Quy chuẩn Việt Nam là dưới 50µg/m³).

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí ở nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), chỉ số AQI ở nhiều khu vực tại Hà Nội luôn dao động ở mức trên 150 - 200 đơn vị. Đặc biệt, trong ngày 10/12, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí AirVisual xếp Hà Nội đứng đầu các thành phố trên thế giới ô nhiễm không khí với chỉ số AQI vượt ngưỡng 200. Đây là mức độ rất nguy hại gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người.

Nhiều người dân cho rằng, không khí bị ô nhiễm khiến họ cảm thấy khó thở, đặc biệt là những người mắc bệnh về đường hô hấp, mũi họng. Nhiều người phải đóng cửa nhà cả ngày, ít rời khỏi nhà và luôn đeo khẩu trang khi ra đường. Một số người chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện trên cao để hạn chế tiếp xúc với khói bụi bên ngoài.

Anh Nguyễn Văn Nam, sống tại quận Cầu Giấy cho biết: "Không khí ô nhiễm khiến chúng tôi cảm thấy khó thở, mệt mỏi. Tôi đi tập thể dục từ sáng sớm đã bụi mù mịt. Người già vào mấy ngày này sẽ càng cảm thấy mệt hơn".

Là những người phải làm công việc ngoài trời, anh Lê Văn Dũng, tài xế Grab bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc ô nhiễm không khí do liên tục hít phải khói bụi. "Do làm công việc này, tôi tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài. Có những lúc không khí quá bụi, tôi phải đeo 2 khẩu trang mà vẫn còn cảm thấy khó chịu. Về đến nhà, mặt bám đầy bụi, tối phải rửa mũi và nhỏ mắt bằng nước muối để làm sạch mới cảm thấy dễ chịu", anh Dũng chia sẻ.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến không khí xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt trong không khí rất lớn góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5…

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, khoảng 1/3 lượng bụi PM2.5 có trong không khí đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong đó phát thải từ giao thông là nguyên nhân hàng đầu. Kết quả từ năm 2015 cho thấy, 40% dân số Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở mức trên 45 μg/m3, hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia.

Đến nay, con số này không giảm bởi gần 8 năm trôi qua vấn đề ô nhiễm không khí do giao thông chưa được giải quyết. Tuy nhiên, lượng bụi mịn do giao thông chỉ chiếm 1/3 số bụi mịn ở Hà Nội. Các số liệu đo đạc cho thấy nguyên nhân ô nhiễm không khí còn nằm ở yếu tố bên ngoài; 2/3 lượng bụi mịn có nguồn gốc từ các hoạt động công nghiệp, bao gồm các nhà máy điện và công nghiệp lớn, các làng nghề. Các làng nghề nằm ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên và Bắc Ninh vẫn ngày ngày thổi khói bụi về phía Hà Nội. Các loại khói thải này được sinh ra từ việc đốt than, củi tại các nồi hơi và lò nung. Vào những ngày có gió, bụi mịn không chỉ được vận chuyển vào Hà Nội nhanh mà còn đậm đặc hơn rất nhiều.

Thúc đẩy các hành động chung để giảm thiểu ô nhiễm

 

Khói mù bao trùm các tòa nhà ở quận Cầu Giấy. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Cùng với quá trình đô thị hóa, mở rộng thành phố, Hà Nội trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới và đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ đối với Hà Nội.

Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do thời tiết giao mùa. Vào mùa hè, mưa nhiều, nhiệt độ cao, gió mạnh... nên các nguồn khí thải ô nhiễm được phát tán khiến nồng độ bụi không khí ở mức thấp. Vào mùa Đông, ít gió, trời ít mưa kèm theo những ngày nghịch nhiệt khiến khí thải không thể khuếch tán mà tích tụ lại thành sương mù. Đáng chú ý, tình trạng người dân đốt rác thải, rơm rạ còn diễn ra rất phổ biến. Các nguồn phát thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, làng nghề; bụi đường, công trình xây dựng, phương tiện giao thông… hiện chưa được kiểm soát tốt.

Qua thống kê, Hà Nội có 7,8 triệu phương tiện tham gia giao thông, chưa kể xe từ các tỉnh, thành liên tục ra vào Thủ đô. Nhiều xe máy cũ, bộ phận hỏng hóc vẫn được sử dụng, liên tục thải khói đen ra môi trường. Chính khói bụi từ ô tô, xe máy khiến tình hình ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng, Hà Nội đang tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí; kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trong thời điểm thời tiết giao mùa.

Tại hội thảo "Quản lý chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội - Từ cam kết đến hành động" do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức, các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí một cách nghiêm túc đòi hỏi cách tiếp cận có sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận dưới sự chủ trì của Hà Nội. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng tăng cường các cam kết hỗ trợ thành phố giải quyết các vấn đề môi trường để xây dựng một Hà Nội xanh, sạch, đẹp; đồng thời đưa ra 5 giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô.

Theo đó, Hà Nội cần thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố; củng cố, thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy, thúc đẩy giao thông công cộng, đẩy mạnh phát triển xe điện, có thể hình thành các khu vực kiểm soát phát thải (phát thải thấp) trong thành phố. Thành phố xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ; giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi. Đây là một phần quan trọng đáng kể trong kế hoạch quản lý không khí. Đặc biệt, thành phố phải "thắt chặt" tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP 26 về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; hỗ trợ giảm sử dụng than đá và sinh khối tại các làng nghề.

Tại các cuộc giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn Thủ đô, Ban Đô thị - HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh việc hoàn thành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; làm rõ vấn đề xử lý ô nhiễm sông, hồ, kênh rạch; cơ sở pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến khí thải, ô nhiễm không khí; làm rõ chất lượng nhân lực tham gia vào công tác quản lý môi trường; tiếp tục tham mưu di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường không khí ra khỏi nội đô…

"Mặc dù đã có nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, song, với sự biến đổi khó lường của khí hậu, tốc độ đô thị hóa, Hà Nội rất cần sự chung tay của các tổ chức xã hội, người dân và đối tác phát triển để thúc đẩy các hành động chung về nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí vừa là yêu cầu cấp thiết vừa là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Thủ đô, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng "0" - Net Zero vào năm 2050", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

Bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, chỉ số AQI thường tăng lên rất cao, cao hơn hẳn các tháng còn lại trong năm. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các kênh truyền thông chính thống. Khi thấy chất lượng không khí ở mức xấu, có hại, người dân cần hạn chế ra khỏi nhà và vận động ở ngoài trời.

Bộ Y tế khuyến cáo, khi ra đường, người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng cách; sử dụng các loại khẩu trang có khả năng ngăn bụi mịn, thay vì khẩu trang thông thường. Người dân nên vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Đối với người có bệnh hô hấp không nên ra đường vào các thời điểm chỉ số AQI lên cao. Ngoài ra, các gia đình nếu có điều kiện nên mua máy lọc không khí, máy tạo ẩm để làm giảm mức độ ô nhiễm; uống đủ nước và tăng cường các loại rau xanh, thức ăn giàu vitamin, bổ sung vitamin C… để tăng sức đề kháng. Đối với trẻ em, người lớn cần hạn chế cho trẻ em ra đường vào thời điểm tan tầm, sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn; giữ ấm mũi, họng, cổ, tránh các hoạt động ngoài trời quá lâu và không cần thiết.

Linh Khánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thuc-day-cac-hanh-dong-giup-giam-thieu-o-nhiem-khong-khi-20231213082704759.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: