Tính trước phương án xử lý hậu quả bão số 9

Đăng ngày: 25-11-2018 | Lượt xem: 929
Bộ Y tế khẩn cấp yêu cầu bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh sau khi bão số 9 đổ bộ.

Ngày 24-11, trước tình hình bão số 9 dự kiến sẽ đổ bộ và gây ảnh hưởng khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, trong đó có TP HCM, Sở Y tế TP đã có văn bản nhắc nhở các đơn vị tăng cường công tác chuẩn bị sẵn sàng chu đáo các phương án ứng phó. Sở yêu cầu cán bộ y tế túc trực, phòng khi gió lốc gây thương vong về người.

Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM đã chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hiện có 5 kíp trực sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ và thông báo các trạm vệ tinh tại 24 quận, huyện chuẩn bị lực lượng tiếp ứng. Cán bộ chủ chốt, phòng hành chính phải mở điện thoại để tiếp nhận thông tin. Các bệnh viện khác cử kíp trực thường xuyên chăm sóc cho các bệnh nhân đang nằm viện và sẵn sàng hỗ trợ đơn vị bạn.

Cùng ngày, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi Sở Y tế 6 tỉnh gồm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu về việc bảo đảm nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường, phòng chống nguy cơ ô nhiễm từ chất thải; phòng chống dịch bệnh sau khi bão đổ bộ gây lũ.

5 chot 1543073362704534482575

Người dân huyện Cần Giờ, TP HCM được sơ tán đến nơi an toàn tránh bão số 9 Ảnh: Sỹ Hưng

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế, cho biết để bảo đảm sức khỏe người dân, cục đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số nội dung: thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn; bố trí và cung cấp đủ hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để xử lý nước, xử lý môi trường như cloramin B, aquatabs, máy phun hóa chất diệt khuẩn...

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý xác súc vật; xử lý giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt. Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung bảo đảm nồng độ clo dư luôn đạt từ 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại hộ gia đình.

Bảo đảm tính mạng người dân

Tối 24-11, dù chưa đổ bộ nhưng bão số 9 đã gây mưa tại nhiều địa phương, gió mạnh, sóng lớn trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Bến Tre. Ngay từ chiều, tỉnh Bến Tre đã cho học sinh nghỉ học, tạm ngưng hoạt động đối với các khu du lịch, khu vui chơi giải trí; cấm tàu thuyền ra khơi, tạm ngưng hoạt động đối với các bến phà, bến đò.

TP HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu... đã cho sơ tán gần 300.000 dân ra khỏi các nơi xung yếu, ven biển. Các phương án dự phòng về lương thực, chăn màn, y tế đã được chuẩn bị đầy đủ. Các địa phương đã cấm biển, yêu cầu tàu thuyền đang đánh bắt khẩn trương trở về đất liền. Tuy vậy, đến chiều 24-11, tại Sóc Trăng vẫn còn 200 tàu với 1.400 thuyền viên ở ngoài khơi, Cần Thơ có 106 tàu với 446 ngư dân...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã thị sát công tác phòng chống bão ở TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông nhận định tuy đây là cơn bão không quá lớn nhưng rất nguy hiểm. Các tỉnh Nam Bộ ít bão nên công tác chuẩn bị phải kỹ càng, không được chủ quan. Ngoài ra, bão đổ bộ vào thời điểm triều cường đang cao, tương tác với gió mùa Đông Bắc, lại vào ban đêm, cộng hưởng nhiều yếu tố nên khả năng mưa lớn.

Các tỉnh bị ảnh hưởng của bão đề nghị lực lượng công an, quân đội ứng trực 24/24 giờ, cắt cử lực lượng sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có nhu cầu. Đặc biệt, phải đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho người dân lên trên hết. 

Nguồn: Báo Người lao động

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: