Do chịu tác động của triều cường dâng cao, sóng lớn, trong đợt triều cường ngày 17-18-19 vừa qua, đoạn kè bảo vệ bờ biển ở xã Hiệp Thạnh (xây dựng từ năm 2008) đã xuất hiện nhiều vị trí sụp lún nghiêm trọng, tạo nhiều hố sâu hình lòng chảo và có khả năng phát sinh thêm trong thời gian tới.
Ngoài ra, nhiều khe liên kết các cấu kiện hình lục giác kè bờ đã bị hở, nguy cơ phần cát dưới lớp cấu kiện này sẽ bị cuốn trôi và sụp, lún vào các đợt triều cường sắp tới. Nếu không kịp khắc phục, nguy cơ gây vỡ kết cấu công trình, ảnh hưởng đến trực tiếp đời sống của 30 hộ dân trong khu vực.
Bờ biển Trường Long Hòa, Thị xã Duyên Hải
Trong khi đó, bờ biển thuộc xã Trường Long Hòa cũng đang tiếp tục bị sạt lở, làm ảnh hưởng hàng trăm ha đất canh tác, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 478 hộ và nhiều ha rừng ven biển. Tình trạng sạt lở còn gây mất an toàn, đe dọa đến khu thực nghiệm nuôi thủy sản của Trường Đại học Trà Vinh; trại giống thủy sản công nghệ cao Thông Thuận.
Để hạn chế thiệt hại gây ra, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo cắm biển báo, cảnh báo các khu vực sạt lở và sụp, lún; thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở, sụp lún tại khu vực này để người dân chủ động phòng, tránh.
Bờ biển bị sạt lở làm ảnh hưởng hàng trăm ha đất canh tác
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng phương án ứng phó sự cố; thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến sạt lở, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời.
Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: “Sở NN&PTNT đã tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức của mình. Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai nhiều giải pháp, về lâu dài, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, đánh giá toàn diện, tổng thể về hiện trạng, nguyên nhân gây ra sạt lở và đề xuất những giải pháp mang tính chất toàn diện hơn. Khi đề tài hoàn thiện, chúng tôi sẽ áp dụng những giải pháp đồng bộ hơn”.
Thạch Trà Vinh/VOV-ĐBSCL