Trà Vinh thiệt hại nặng vì hạn hán và xâm nhập mặn

Đăng ngày: 16-04-2020 | Lượt xem: 3773
Trà Vinh là tỉnh ven biển nên chịu nhiều thiệt hại do hạn hán kéo dài cùng với xâm nhập mặn. Chưa năm nào nông nghiệp Trà Vinh lại gặp khó khăn như năm nay.

Ruộng lúa của người dân ở xã Tân Sơn thiệt hại nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn.

 

Ruộng lúa chết khô

Dọc theo tuyến đường từ Cầu Kè về Trà Cú, nhiều ruộng lúa Đông Xuân chết khô, lép hạt, nên nông dân buông xuôi, không thèm cắt. Ông Nguyễn Văn Chặng, ngụ xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, cho biết: “Sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2016, bà con nông dân ai cũng lường trước và cảnh giác, vậy mà không ngờ hạn mặn năm nay lại dữ dội hơn. Vì vậy, hơn 1ha lúa của gia đình tôi gieo sạ muộn trong tháng 1-2020 bị thiếu nước tưới, mặn tấn công... lúa không vô hạt và chết tràn lan”. Ông Lưu Minh Đức, ngụ xã Tân Sơn, có 17 công lúa cho biết, nếu năm trước đạt 8-9 tấn/ha thì năm nay thu hoạch chưa tới 2 tấn/ha. Ngoài ra, chất lượng lúa sau thu hoạch cũng rất thấp, tỷ lệ hạt lép, lừng rất nhiều. Sau khi cân nhắc tiền thuê nhân công thu hoạch sẽ tốn kém thêm nên nhiều hộ quyết định bỏ luôn, không cắt lúa.

Phần lớn bà con nông dân ở Trà Cú thừa nhận đa phần diện tích lúa thiệt hại là do xuống giống trễ, không theo khuyến cáo của ngành chức năng. Ông Thạch Sô Phal, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trà Cú, cho biết, vụ này toàn huyện xuống giống hơn 10.310ha lúa Đông Xuân, trong đó 7.358ha trong lịch thời vụ, số còn lại bà con gieo sạ muộn ngoài lịch. Mặc dù huyện đã chủ động nhiều giải pháp ứng phó, nhưng do hạn mặn khốc liệt đã khiến hơn 5.148ha lúa bị thiệt hại; trong đó,, phần lớn diện tích sạ muộn bị nặng nhất.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, nhận thấy nguy cơ hạn mặn gây bất lợi cho lúa nên giữa tháng 12-2019, Sở có công văn đề nghị các huyện khuyến cáo nông dân ngưng xuống giống lúa Đông Xuân. Thế nhưng, sau đó diện tích sản xuất không ngừng tăng và đến nay toàn tỉnh đã có hơn 8.098ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn. Đây là bài học cần rút kinh nghiệm cho các vụ tiếp theo, bởi thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Thủy sản cũng lao đao

Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh cho biết từ đầu năm đến nay, hàng trăm hộ dân trong tỉnh thả nuôi được hơn  42,3ha cá lóc với 21 triệu con giống, sản lượng thu hoạch bước đầu hơn 10.918 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn phức tạp đã khiến hơn khoảng 70 tấn cá lóc ở xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú) bị thiệt hại. Cụ thể, người dân khi bơm nước vào các ao nuôi do thiếu kiểm tra, nên làm tăng độ mặn trong ao nuôi; có ao độ mặn dao động từ 8-14‰, khiến cá lóc từ 0,4-1kg/con bị tuột nhớt, nổi đầu… chết tràn lan.

Còn ở xã Định An (huyện Trà Cú), nhiều hộ nuôi với hơn 1,3 triệu con giống bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn làm cá có biểu hiện lờ đờ, tấp mé, xù vảy... buộc phải thu hoạch sớm bán với giá chỉ 20.000 đồng/kg thấp hơn mức bình thường 8.000-9.000 đồng/kg... Ngoài ra, tình hình xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản lượng khoảng trên 1.000 tấn cá còn tồn năm 2019, chủ yếu cá trên 6 tháng, của những hộ nuôi quy mô lớn, mức độ thiệt hại từ 10-20%/ao. Một số trường hợp phải bán cá sớm để tránh bị thiệt hại.

Hạn hán kéo dài cũng làm phần lớn diện tích nuôi tôm của tỉnh Trà Vinh bị ảnh hưởng. Theo đó, toàn tỉnh có 446 hộ thả nuôi tôm sú bị thiệt hại trên diện tích 165,3ha (chiếm 26,1% so với diện tích thả nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh), với số lượng giống 58,4 triệu con. Bên cạnh đó, còn có 701 hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại trên diện tích 202,8ha (chiếm 15,2% so với diện tích thả nuôi) với số lượng giống 145,1 triệu con. Ngoài ra, do xâm nhập mặn khiến độ mặn tăng cao vào đầu tháng 2-2020 (từ 20-24‰), nên 132 hộ nuôi tôm càng xanh ở xã Long Hòa (huyện Châu Thành) lấy nước vào ao thiếu kiểm tra, thiệt hại 135ha, với số lượng giống 4,5 triệu con, tôm chết ở giai đoạn 5-7 tháng tuổi.

Theo ông Nguyễn  Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, do thời tiết diễn biến phức tạp, ngày nắng nóng và lạnh dần vào đêm, đồng thời do độ mặn lên sớm hơn so với cùng kỳ làm cho môi trường ao nuôi biến động gây thiệt hại đến tôm nuôi. Tôm chết ở giai đoạn 20-45 ngày tuổi, có dấu hiệu: đốm trắng, đỏ thân, hoại tử gan tụy. Ngành chức năng cũng đã khuyến cáo người nuôi nên thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao nuôi và tin dự báo diễn biến thời tiết, độ mặn… để có biện pháp xử lý kịp thời. “Hiện tại, độ mặn trên các sông ở Trà Vinh tiếp tục duy trì mức cao, vì vậy ngành thủy sản lưu ý người nuôi theo dõi chặt diễn biến và cẩn trọng việc thay nước trong các ao nuôi nhằm phòng tránh thiệt hại”- ông Quốc nói.

Theo baocantho.com

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: