Trung Quốc: Hồi chuông cảnh báo từ mưa lũ

Đăng ngày: 23-07-2021 | Lượt xem: 2561
Lượng mưa tại TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam từ ngày 17 đến 20-7 gần bằng tổng lượng mưa trung bình hằng năm ở đó

Tỉnh Hà Nam - Trung Quốc hôm 22-7 đối mặt thêm các trận mưa lớn sau khi lũ lụt nghiêm trọng khiến ít nhất 33 người thiệt mạng, 380.000 người đi sơ tán và 3 triệu người bị ảnh hưởng. Giới chức tỉnh Hà Nam cho biết thêm mưa to xảy ra từ cuối tuần rồi còn gây thiệt hại kinh tế lên đến 1,22 tỉ nhân dân tệ (khoảng 4.343 tỉ đồng) cho địa phương.

Con số thương vong có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh thời tiết còn xấu và hoạt động cứu hộ vẫn đang diễn ra. Hơn 6.000 lính cứu hỏa và 2.000 binh sĩ đã được huy động để khắc phục hậu quả thiên tai.

TP Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh có 99 triệu dân này, là một trong những nơi bị thiệt hại nghiêm trọng nhất khi phải hứng chịu lượng mưa lên đến 617,1 mm từ ngày 17 đến 20-7, gần bằng tổng lượng mưa trung bình hằng năm (640,8 mm).

Ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong vụ một tàu điện ngầm bị ngập nước ở thành phố này hôm 20-7. Cũng trong ngày này, lượng mưa trút xuống Trịnh Châu trong một giờ tương đương 1/3 lượng mưa được ghi nhận tại đó trong cả năm 2020.

Theo đài CNN, Trạm Khí tượng TP Trịnh Châu đã mô tả lượng mưa này là "ngàn năm có một". Trong khi đó, Sở Thủy lợi tỉnh Hà Nam ghi nhận lượng mưa tại một số khu vực là "5.000 năm mới gặp một lần".

Một con đường ngập nước tại TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam - Trung Quốc hôm 22-7. Ảnh: REUTERS

Nhiều thành phố nhỏ hơn cũng bị mưa lũ tàn phá nghiêm trọng. Tại TP Củng Nghĩa, mưa lớn khiến 4 người thiệt mạng, làm sập nhiều ngôi nhà và gây lở đất nghiêm trọng, cản trở hoạt động cứu hộ.

Còn tại TP Tân Hương, mực nước các con sông dâng cao hơn mức cảnh báo và 7 hồ chứa tràn bờ, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 470.000 người.

Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), bão In-Fa đang di chuyển đến Trung Quốc được cho là nguyên nhân dẫn đến các trận mưa "khủng" nói trên. Ngoài ra, TP Trịnh Châu nằm bên bờ sông Hoàng Hà, con sông dài thứ 2 ở Trung Quốc và đây là lý do khác khiến việc kiểm soát lũ lụt tại khu vực trở nên khó khăn hơn.

Quốc gia đông dân nhất thế giới này dựa vào các đập và hồ chứa nhân tạo để giảm thiểu lũ lụt nhưng với lượng mưa cực lớn, các con đập không thể giữ được nước.

Trung Quốc chứng kiến mưa lũ nghiêm trọng hằng năm. Riêng trong năm ngoái, thiên tai này đã khiến hơn 200 người thiệt mạng hoặc mất tích và gây thiệt hại trực tiếp lên đến 25 tỉ USD. Vấn đề là theo thời gian, biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến tác động của mưa lũ thêm nghiêm trọng.

Một số chuyên gia nhận định những trận mưa lũ mới nói trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Trung Quốc về hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo họ, biến đổi khí hậu đồng nghĩa rằng trái đất đang ấm lên nên nước bốc hơi nhiều hơn, dẫn đến khối lượng nước lớn hơn trong khí quyển, từ đó làm tăng nguy cơ mưa lớn.

Thay đổi trước khi quá muộn!

Những trận lũ lụt chết chóc ở Trung Quốc và Đức như một lời cảnh tỉnh rằng biến đổi khí hậu đang khiến thời thiết ngày càng khắc nghiệt trên toàn cầu và cần có những thay đổi đáng kể để chuẩn bị cho những kịch bản tương tự trong tương lai. "Chính phủ các nước trước hết nên nhận ra rằng cơ sở hạ tầng được xây dựng trong quá khứ hoặc thậm chí là thời gian gần đây dễ bị tổn thương bởi những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này" - ông Eduardo Araral, đồng Viện trưởng Viện Chính sách nước thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nói với hãng tin Reuters.

Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters (Mỹ), biến đổi khí hậu có khả năng làm tăng số lượng các cơn bão lớn và di chuyển chậm tại châu Âu. Những cơn bão loại này có thể "nán lại" lâu hơn tại một khu vực và gây ra lũ lụt nghiêm trọng như ở Đức và Bỉ mới đây. Vì thế, ông Fred Hattermann, chuyên gia tại Viện Potsdam về nghiên cứu tác động khí hậu (Đức), cho rằng các quốc gia cần có những bước đi nhằm thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, như củng cố đê điều ngăn lũ, điều chỉnh hạ tầng... Bên cạnh đó, cần cải thiện hiệu quả các hệ thống cảnh báo lũ lụt để giúp người dân có đủ thời gian chuẩn bị ứng phó.

Trong khi đó, ông Koh Tieh-Yong, nhà khoa học về thời tiết và khí hậu tại Trường ĐH Khoa học Xã hội Singapore, nhận định cần có đánh giá tổng thể về các hệ thống sông nước tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Lũ lụt thường xảy ra do sự kết hợp của hai yếu tố, gồm lượng mưa lớn hơn bình thường và các sông không đủ khả năng thoát lượng nước mưa nhận thêm.

Theo Báo Người Lao động

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: