Vạch mặt thủ phạm gây lũ lụt thiệt hại cho Đồng Nai

Đăng ngày: 13-08-2019 | Lượt xem: 1225
2 huyện miền núi của tỉnh Đồng Nai là Tân Phú, và Định Quán vừa hứng chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản lớn do trận lũ lụt được xem lớn nhất trong hơn 20 năm qua. Nguyên nhân được xác định là do các nhà máy thủy điện ở đầu nguồn xả lũ.

Cá nuôi bè tại xã Thanh Sơn (Định Quán) chết hàng loạt do nước lũ

Lũ về quá nhanh
Sau khi nước lũ rút  toàn bộ 5 lồng nuôi cá trên sông Đồng Nai của gia đình bà  Nguyễn Thị Kim Loan ở xã Thanh Sơn  (huyện Định Quán) cũng tan hoang, khoảng 100 tấn cá diêu hồng, cá lăng nuôi trong lồng phần thì trôi ra sông, phần thì chết nổi trắng bè. 
Bà Loan kể: “Nhiều năm nuôi cá ở đây chưa bao giờ tôi thấy nước đổ về nhanh và mạnh như vậy. Chiều tối ngày 8/8 nước cuồn cuộn, đỏ ngầu đổ về cuốn phăng mọi thứ trên sông. 5 lồng  cá liên kết với nhau trên sông, tôi phải cắt bỏ 2 lồng cho trôi theo lũ để bảo vệ những lồng cá còn lại, nhưng rồi các lồng cũng bể, trôi hết cá ra sông”. 
Bà Loan cho hay hàng tỷ đồng tiền cá gồm vốn liếng tích lũy và vay mượn để nuôi cá coi như trôi hết theo cơn lũ. Cơn lũ cũng cuốn phăng 1 chiếc phà chở 780 bao cám đang neo đậu.
Cũng bị ảnh hưởng đợt lũ, trang trại gà Miền Đông trị giá hàng chục tỷ đồng của ông Nguyễn Minh Kha ở xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) bị thiệt hại nặng nề. 20 dãy trại nuôi gà được trang bị hệ thống chuồng lạnh, cùng số gà còn lại khoảng 100 ngàn con (300 tấn) đang chuẩn bị xuất bán bị chìm sâu dưới 3 mét nước rạng sáng ngày 9/8. Các công nhân trông coi trại gà chỉ kịp chạy thoát thân, toàn bộ số gà trị giá 7 tỷ đồng chết hoàn toàn, cùng hệ thống máy móc, thức ăn hàng chục tỷ đồng hư hỏng hoàn toàn. Sau khi nước rút, ông chủ trại gà phải tổ chức tiêu hủy hàng trăm tấn gà để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. 
Ông Trương Công Vững, chủ Khu du lịch Tre Xanh (xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) cho biết,  cơ  sở du lịch này nằm bên bờ sông Đồng Nai  được nhiều du khách chọn làm điểm lưu trú khi đến tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên “Tất cả hơn 40 phòng lưu trú tại khu du lịch đều chìm trong nước lũ, một căn nhà gỗ 5 gian bị trôi, ngập một nhà máy sản xuất nước sạch, hệ thống ống nước, điện đều hư hỏng nặng. Chúng tôi phải hủy hợp đồng hơn 200 khách du lịch đã đặt phòng để sửa chữa lại cơ sở”. 
Hàng  trăm tỷ đồng trôi sông
Theo thống kê của UBND huyện Định Quán, toàn huyện có 81 bè, 486 lồng cá bị thiệt hại với trên 5 ngàn tấn cá chết và thất thoát ra sông. Trong đó, riêng tại xã Thanh Sơn bị thiệt hại nặng nề nhất vì người nuôi cá bè của xã này đã mất trắng 3.570 tấn cá. Hàng ngàn hộ dân phải di dời do nhà bị ngập. Theo  ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán   thống kê  thiệt hại do lụt gây ra trên địa bàn đến nay  là hơn 200 tỷ đồng. 
Tại huyện Tân Phú, cơn lũ khiến 2 người tử vong. Bên cạnh đó,  ngoài thiệt hại về vật nuôi, hơn 2.000 héc ta lúa, cây lâu năm bị ngập. 
Nguyên nhân của trận lũ lụt gây thiệt hại nặng nề bước đầu đã được xác định. Theo ông Trần Đình Minh, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, do mưa lớn từ thượng nguồn sông Đồng Nai cùng với việc Thủy điện 5 xả lũ và sự cố công trình Thủy điện Đáck Ka dẫn đến mực nước sông Đồng Nai dâng cao. 
Ngay sau khi xảy ra ngập lụt các Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Tân Phú, Định Quán và các xã xảy ra thiên tai đã tổ chức ứng phó với sự cố. Tuy nhiên gần như các địa phương chỉ kịp tổ chức di dời bảo vệ tính mạng người dân. 
Theo tienphong.vn
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: