Vì sao phải điều tra vết lũ:
Hầu hết các vết lũ được điều tra là những trận lũ lịch sử, có quy mô ngập và ảnh hưởng trên phạm vi rộng. Bằng các phương pháp tính toán thông qua độ cao các vết lũ đã được điều tra, các nhà chuyên môn sẽ tính toán, hoàn nguyên trận lũ: Thời gian duy trì trận lũ, lưu lượng dòng chảy lũ, tốc độ lớn nhất dòng chảy lũ, tần suất lũ xảy ra và tình hình ngập lụt tại khu vực khi xảy ra trận lũ. Từ đó, làm cơ sở cung cấp cho địa phương, các bộ ngành những số liệu quan trọng trong việc quy hoạch giao thông, xây dựng các công trình trọng điểm ven sông, hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.
Vết lũ được ký hiệu như thế nào?
Trên cơ sở điều tra từ dấu vết lũ còn để lại trên các công trình, vật kiến trúc, tường nhà, …. (hoặc qua điều tra trong nhân dân). Đơn vị điều tra sẽ chụp ảnh và đánh dấu vết lũ bằng sơn đỏ
Vết lũ có ký hiệu:
– Vạch sơn đỏ nằm ngang trùng với mực nước lũ điều tra
– Phía trên vạch sơn:
+ Bên trái: phần chữ là viết tắt tên sông, phần số là số thứ tự vết lũ (TB 01 là sông Thu Bồn, vết lũ thứ 1)
+ Bên phải: ghi thời gian xuất hiện lũ tháng X năm 2020.
– Phía dưới vạch sơn:
+ Bên trái: Cơ quan điều tra LĐKS ( viết tắt của cơ quan Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn )
+ Bên phải: Thời gian điều tra vết lũ (ví dụ: ngày 05 tháng XII năm 2020).
Dọc theo các sông thường được đánh dấu nhiều vết lũ và tại mỗi vết lũ, đơn vị điều tra sẽ ghi lại đầy đủ các thông tin trong quá trình điều tra thu thập vết lũ ( tọa độ, địa danh, độ cao vết lũ so với mặt đất, thời gian xuất hiện đỉnh lũ, người cung cấp thông tin,… ). Sau đó các vết lũ sẽ được chụp ảnh và lưu hồ sơ cùng các thông tin đã điều tra được. Đồng thời, các vết lũ sẽ được đơn vị điều tra dẫn nối độ cao khép kín ( cùng hệ độ cao ) để xác định độ cao cho từng vết lũ.
Một số hình ảnh của Quan trắc viên Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn thực hiện điều tra vết lũ:
Liên đoàn Khảo sát KTTV- Tạp chí KTTV