Vì sao các thuỷ điện ở Đắk Nông bị sự cố liên tiếp khi trời mưa lớn?

Đăng ngày: 20-08-2019 | Lượt xem: 1209
Chưa đầy 2 tuần, có tới 3 thuỷ điện nằm gần nhau trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông), liên tiếp xảy ra sự cố như kẹt van xả lũ, sạt lở kênh dẫn, gãy tuyến ống áp lực… Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài trong mấy ngày trước đó. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia và ngành chức năng sau khi kiểm tra sự cố tại các thuỷ điện thì còn có những nguyên nhân khác kèm theo, trong đó không loại trừ yếu tố chủ quan của chủ đầu tư.
dien1
Cán bộ kỹ thuật của Công ty thuỷ điện nỗ lực khắc phục sự cố tại thuỷ điện Đắk Kar do kẹt van xả lũ

Tự ý tích nước khi chưa được phê duyệt

Liên quan đến sự cố của 3 thuỷ điện Đắk Kar, Đắk Sin 1 và Đắk Ru. Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình vận hành các hồ, đập công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo nội dụng báo cáo, nguyên nhân chính dẫn đến các sự cố trên là ảnh hưởng từ mưa lớn dẫn đến nước lũ về nhanh và gây sạt lở.

Sự cố tại thủy điện Đắk Kar, từ ngày 7/8, mưa lớn nên nước thượng nguồn thủy điện đổ về nhiều, mực nước hồ tăng nhanh. Từ 2 giờ ngày 8/8, chủ đầu tư vận hành nâng cửa van nhưng không được, mực nước hồ tiếp tục tăng và tràn qua đỉnh cửa van. Chiều 9/8, mực nước hồ giảm, chủ đầu tư huy động xe cẩu kết hợp với tời pa lăng tay để kéo cửa van lên nhưng mãi đến chiều 10/8 mới nâng được cửa van. Dự án thủy điện Đắk Kar được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch với công suất 12MW, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, đến thời điểm xảy ra sự cố, công trình thuỷ điện Đắk Kar chưa được Bộ Công Thương phê duyệt phương án tích nước vận hành. Tuy nhiên, công trình này đã tích nước, vận hành thử nhà máy và đã phát điện thử nghiệm lên mạng điện lưới quốc gia nhiều tháng qua. Xác nhận về vấn đề này, ông Đỗ Văn Hờn, Giám đốc Điện lực tỉnh Bình Phước cho biết, thuỷ điện Đắk Kar đã đấu nối vào mạng lưới của Điện lực Bình Phước và đã vận hành, tải điện thử. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Chu Văn Quyền, Giám đốc Công ty thuỷ điện Đắk Kar cũng thừa nhận, đơn vị đã đấu nối lưới điện, vận hành chạy thử nhà máy vào tháng 11/2018.

Trong báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông gửi Bộ Công Thương vào ngày 9/8 cũng nêu rõ, dự án công trình thuỷ điện Đắk Kar chưa đủ điều kiện vận hành thử nhưng chủ đầu tư đã tự ý tích nước và vận hành thử nhà máy, tự ý phát điện thử là chưa đúng với thẩm quyền cho phép.

dien2
Đập thuỷ điện Đắk Kar thời điểm xảy ra sự cố

Dễ dàng bị sạt lở do trời mưa lớn

Còn tại công trình thủy điện Đắk Sin 1, có công suất 28,4MW (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) cũng xảy ra cố nghiêm trọng vào ngày 9/8. Nguyên nhân được xác định là do mưa lớn làm sạt lở kênh dẫn, gãy tuyến ống áp lực, nước đổ về gây ngập toàn bộ nhà máy. Tuyến đường vào nhà máy dài khoảng 5km cũng bị sạt lở nhiều đoạn, cô lập nhà máy. Tại hiện trường, có hàng trăm khối đất, đá, cây gỗ đủ các kích cỡ bị sạt lở ở độ cao hàng chục mét nằm ngổn ngang tại tuyến đường dẫn đi từ khu vực điều hàng xuống nhà máy. Sau khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư đã cắt điện và đưa các bộ vận hành ra khỏi nhà máy, đóng cửa nhận nước và mở cửa xả tràn để đảm bảo an toàn đập. Cùng thời điểm này (ngày 9/8) công trình thuỷ điện Đắk Ru, công suất 7,5MW (huyện Đắk R’lấp) cũng bị sạt lở và mất nhiều thời gian mới khắc phục được.

dien3
Sạt lở nghiêm trọng gây tắc đường dẫn xuống khu vực Nhà máy thuỷ điện Đắk Sin 1

Cần quan tâm, bảo vệ rừng đầu nguồn

Trao đổi với phóng viên liên quan đến nguyên nhân xảy ra sự cố tại các thuỷ điện trong thời gian qua, GS.TS. Bảo Huy, Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: Khi xây dựng, cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý không quan tâm việc bảo vệ rừng đầu nguồn, lưu vực của hồ chứa. Không có rừng để giữ nước, mưa lớn vài ngày là nước ồ ạt đổ về hồ chứa thủy điện, đe dọa an toàn hồ đập. “Rừng có vai trò giữ tới 70 đến 80% lượng nước mưa. Một thủy điện lớn nhỏ phải có một lưu vực tương ứng mới điều hòa được nguồn nước nhưng chúng ta chưa quan tâm và khi mưa lũ đe dọa công trình thủy điện là điều tất yếu”, GS.TS. Bảo Huy chia sẻ.

Cũng theo GS.TS. Bảo Huy, khi làm thủy điện, Nhà nước thường giao cho chủ đầu tư trồng rừng thay thế, coi như đã trả lại rừng. Tuy nhiên, thực tế trồng rừng keo, sau 5 năm khai thác là mất rừng. Bên cạnh đó, rừng trồng không thể thay thế cho rừng tự nhiên về mặt thủy văn, đa dạng sinh học và thường trồng ở nơi khác, không bảo vệ lưu vực. “Khi xảy ra lũ lụt, các thủy điện thường khoe mình xả lũ bằng hoặc ít hơn lưu lượng nước về hồ, tham gia cắt lũ. Tuy nhiên, thực tế khi chưa có nhà máy thủy điện, rừng ở lưu vực đã giữ được nước, lưu lượng nước về ít hơn khi đã xây dựng nên không thể so sánh như thế”, GS.TS. Bảo Huy phân tích.

Sự cố kẹt van xả lủ tại thuỷ điện Đắk Kar, đã khiến nước tràn qua một số vị trí thân đập (làm bằng đất) đe dọa an toàn thân đập buộc chính quyền phải sơ tán khẩn cấp hơn 5.000 người ở hạ lưu tỉnh Bình Phước. Rất may, khi sự an toàn đang bị đe dọa thì mưa giảm, nước thượng nguồn về ít cộng với việc vỡ đường ống áp lực đã giải phóng được lượng nước. Trước tình hình đó, ngày 12/8, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng gửi các Bộ ngành và địa phương liên quan yêu cầu kiểm tra xử lý, khắc phục sự cố các công trình thủy điện Đắk Kar và Đắk Sin 1. 

Theo Báo TN&MT 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: