Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Lê Công Thành, Bí thư Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nghi lễ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể Viện. Ảnh: Khánh Ly-Báo TNMT
Tại Hội thảo, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện KH KTTV&BĐKH đã điểm lại một số nét về quá trình 45 năm xây dựng và phát triển của Viện. Giai đoạn 1977 - 1995, Viện Khí tượng thủy văn được thành lập ban đầu với 10 đơn vị nghiên cứu và chuyên môn, Đoàn Khảo sát Đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, Đoàn Khảo sát Thủy văn Đồng bằng sông Cửu long và Phân viện KTTV phía Nam.
Giai đoạn 1996 - 2001, do có sự sát nhập của các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV nên các phòng chuyên môn hợp nhất thành các Trung tâm Nghiên cứu mạnh. Năm 1996, Viện KTTV được công nhận là một trong 41 Viện đầu ngành của Nhà nước theo Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 24/10/1996 của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 2002 - 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập, Viện trở thành đơn vị trực thuộc Bộ. Tổ chức bộ máy chuyên môn của Viện tiếp tục duy trì và hình thành thêm một số đơn vị. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 18/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Viện có thêm nhiệm vụ nghiên cứu về môi trường và tài nguyên nước và được đổi tên thành Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường.
Khoa học biến đổi khí hậu cũng được coi là thế mạnh của Viện thông qua sự công nhận của cộng đồng khoa học và cơ quan quản lý. Năm 2014, Viện đổi tên thành Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tại Quyết định số 74/QĐ-TTg ngày 13/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 2018 đến nay, Viện đã kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản biên chế và giảm các đầu mối. Lực lượng cán bộ của Viện ngày càng tăng cường cả về chất là lượng, với 38 tiến sĩ, trong đó có 1 Giáo sư, 7 Phó giáo sư; 72 Thạc sĩ; gần 70 kỹ sư và cử nhân, cùng với các cán bộ chuyên môn và kỹ thuật khác. Đội ngũ đủ khả năng đáp ứng yêu cầu trong nghiên cứu và đào tạo phục vụ ngành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như các dịch vụ tư vấn đa dạng khác về khí tượng, thủy văn, môi trường, biến đổi khí hậu và các dạng tài nguyên.
Với truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã chủ trì 02 Chương trình nghiên cứu trọng điểm của Nhà nước như Chương trình “Cân bằng nước và tài nguyên nước mặt Việt Nam”, “Khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng các khu vực và lãnh thổ”. Ngoài ra, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã thực hiện hơn 400 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) các cấp, trong đó có trên 50 đề tài thuộc các Chương trình cấp Nhà nước.
Các kết quả nghiên cứu đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, đã được công bố trên gần 200 bài báo quốc tế, 700 bài báo trong nước, 50 sách chuyên khảo, đồng thời đã và đang được ứng dụng trong các đơn vị trong và ngoài Bộ, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu, các công trình, dự án lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia, Viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một đơn vị nghiên cứu đầu ngành của Bộ TN&MT. Các nghiên cứu của Viện đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong suốt quá trình hoạt động 45 năm qua, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã đạt được nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng do Đảng, Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng. Đây là những phần thưởng cao quý, ghi nhận những thành tựu và đóng góp của Viện. Đặc biệt, trong dịp chào mừng 45 năm thành lập này, Viện được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2) do Chủ tịch nước trao tặng.
Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành đã biểu dương, chúc mừng tập thể Viện Khoa học KTTV&BĐKH vì những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua.
Trong 45 năm xây dựng và phát triển, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã không ngừng phấn đấu đi lên và đạt được nhiều thành tích quan trọng. Đến nay Viện đã chủ trì thành công nhiều Chương trình nghiên cứu trọng điểm của Nhà nước, cấp Bộ, các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học, thực tiễn, đã và đang được ứng dụng trong các đơn vị trong và ngoài Bộ, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với công tác nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học KTTV&BĐKT còn đóng vai trò là cơ sở đào tạo những chuyên ngành quan trọng của cả nước, thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ cao cho các lĩnh vực cả trong và ngoài Ngành tài nguyên và môi trường. Đến nay Viện đã đào tạo được trên 80 tiến sĩ và hiện có gần 30 nghiên cứu sinh đang học tập, nghiên cứu các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực đào tạo của Viện. Cùng với đó là lực lượng cán bộ khoa hoc của Viện ngày càng được nâng cao cả chất và lượng.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, làm thay đổi quy luật của tự nhiên trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó khoa học công nghệ đang phát triển rất nhanh, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cũng nhưng đặt ra nhiều thách thức đối với chúng ta. Đảng và Nhà nước vẫn luôn xác định khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược của đất nước. Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng đề nghị Viện Khoa học KTTV&BĐKH tiếp tục phát huy các thành quả đạt được, không ngừng đổi mới trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, phấn đấu trở thành một cơ sở nghiên cứu, đào tạo hàng đầu của cả nước, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng của nền kinh tế cũng như của Ngành. Để đạt được mục tiêu đó, Viện cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Khẩn trương rà soát chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn cơ cấu tổ chức; xây dựng chiến lược phát triển có lộ trình phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới; tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học của Viện, đảm bảo vừa là nhà khoa học, vừa là nhà tư vấn, tham mưu giỏi cho Bộ, cho ngành.
Cần đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học, đề xuất, triển khai thực hiện những công trình mang tính đột phá cho ngành, cho đất nước. Chú trọng các nghiên cứu thiết thực, gắn với thực tiễn quản lý của ngành, bám sát kế hoạch hành động của ngành giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo; vừa đảm bảo giải quyết các vấn đề mà đất nước, xã hội đang đặt ra, vừa dự báo tương lai sắp tới như các hoạt động triển khai COP 26, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số.
Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác đào tạo của Viện cần gắn với nhu cầu cao của ngành, của xã hội để có kế hoạch mở rộng mã ngành, phát triển quy mô đào tạo. Song song với tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, Viện phải là cầu nối giữa các nhà quản lý với các nhà khoa học cả ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Viện; hình thành những phòng thí nghiệm hiện đại, tiên tiến, xứng đáng là điểm đến đáng tin cậy cho những người đam mê nghiên cứu khoa học.
Tạp chí KTTV tổng hợp