Việt Nam sẽ là Trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á

Đăng ngày: 27-09-2021 | Lượt xem: 1927
Việt Nam sẽ được Tổ chức Khí tượng Thế giới giao đảm nhận vai trò Trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam đảm nhận vai trò Trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết: Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ thay mặt cho Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hỗ trợ công nghệ và dự báo cho các nước, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như mưa lớn và gió mạnh. Đây là một nỗ lực và thành tựu lớn của Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã được WMO công nhận đạt chuẩn là Trung tâm Hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á.

"Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục được WMO giao đảm nhận vai trò Trung tâm Hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á. Từ năm 2011, WMO (Tổ chức Khí tượng Thế giới) đã chính thức công nhận Việt Nam là một mắt xích quan trọng, một thành viên chủ động trong công tác khí tượng thủy văn của thế giới. Bên cạnh việc chúng ta tiếp nhận các số liệu, các trao đổi thông tin kỹ thuật với các nước khác thì Việt Nam đã trở thành Trung tâm Hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á" - PGS.TS Mai Văn Khiêm nói.

Phương tiện dự báo của Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu?

PGS.TS Mai Văn Khiêm khẳng định: Trình độ, phương tiện và các công cụ dự báo thời tiết của Việt Nam hiện nay ở trình độ cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, ngành khí tượng thủy văn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khắc nghiệt hơn, gây ra nhiều thiệt hại cho  nước ta; quy mô nền kinh tế được mở rộng phát triển nên cũng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước thiên tai.

 
Hệ thống thông tin Khí tượng Thủy văn của Việt Nam hiện nay đã được đầu tư hiện đại và khá đồng bộ. Ảnh: Hoài Linh 

Trong bối cảnh đó, toàn ngành khí tượng thủy văn đã nỗ lực mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, kết hợp tận dụng những thành tựu khoa học mới để theo dõi, quan trắc mọi diễn biến về thời tiết, thủy văn trên cả nước, dự báo và cảnh báo thời tiết thủy văn hàng ngày và đặc biệt là các hiện tượng thời tiết, thủy văn và hải văn nguy hiểm trên đất liền và trên cả vùng biển rộng lớn phục vụ cho các hoạt động phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Hệ thống thông tin khí tượng thủy văn của Việt Nam hiện nay đã được đầu tư hiện đại và khá đồng bộ, từ hệ thống máy chủ, các hệ thống thông tin chuyên ngành; hệ thống kênh thông tin quốc tế; hệ thống mạng riêng luôn đảm bảo sự hoạt động ổn định, thông suốt trong mọi tình huống, nhất là trong khi có tình hình thời tiết nguy hiểm, phục vụ tốt yêu cầu của công tác dự báo, cảnh báo bão, lũ cũng như truyền tin kịp thời tới các bộ, ngành, địa phương theo quy định.

Thực hiện phát báo quốc tế số liệu khí tượng thủy văn thời gian thực qua hệ thống viễn thông toàn cầu đảm bảo đúng quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới; cơ sở dữ liệu thông tin khí tượng đã lưu trữ được nhiều tài liệu mang tính lịch sử, khẳng định chủ quyền đất nước.

Ngành khí tượng thủy văn đã cải tiến, thay đổi, điều chỉnh cả về hình thức và nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo theo hướng rõ hơn, chi tiết hơn về ảnh hưởng của bão, mưa, lũ: Bản đồ dự báo bão dễ tham khảo hơn, đã nhận định rõ hơn về diễn biến mưa, vùng và thời gian có gió mạnh, khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.

"Các bản tin dự báo bão, lũ được phát sớm hơn từ 30 phút đến 1 giờ so với trước đây và chuyển ngay đến các đài khí tượng thủy văn khu vực, đài khí tượng thủy văn tỉnh để kịp thời phục vụ địa phương; đưa thông tin dự báo khí tượng thủy văn lên các trang mạng của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương, các cơ quan chỉ đạo thiên tai, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra" - PGS.TS Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.

Theo Báo Lao Động

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: