Việt Nam và châu Á sẽ hứng chịu những cơn bão mạnh gấp đôi vào cuối thế kỷ?

Đăng ngày: 29-12-2021 | Lượt xem: 3025
Theo một nghiên cứu của Đại học Hong Kong Trung Quốc và Trung tâm nghiên cứu cảnh báo - dự báo thời tiết ở Thâm Quyến cho biết bão ở châu Á có thể mạnh gấp đôi vào năm 2100.

Việt Nam có thể hứng chịu hiểm họa

Theo nghiên cứu, tốc độ gió trung bình khi bão đổ bộ có thể tăng 6%, tương đương tăng 7,2 km/h. Dự báo cũng cho thấy một cơn bão trung bình sẽ kéo dài hơn khoảng 5 tiếng (tăng 56%), di chuyển vào đất liền xa hơn 92 km (tăng 50%) và tăng gần gấp đôi sức tàn phá tổng thể.

Các dự đoán dựa trên một kịch bản biến đổi khí hậu trong trường hợp xấu nhất.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng từ năm 1979 đến năm 2016, thời gian tồn tại của các cơn bão tăng thêm từ 2 đến 9 tiếng và xâm nhập sâu hơn vào đất liền từ 30 đến 190 km.

Nhiều cơn bão với cường độ mạnh hơn tấn công vào châu Á. (Ảnh minh họa)

Francis Tam Chi-yung, Phó Giáo sư chương trình Khoa học Hệ thống Trái Đất của Đại học Hong Kong, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: “Sự nóng lên toàn cầu có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng bão đổ bộ và tác động của chúng đối với các vùng đất liền, dựa trên các dự báo về mô hình khí hậu có độ phân giải cao”. Kết quả đã được công bố trên tạp chí Frontiers in Earth Science.

“Nhiều khu vực đất liền châu Á có thể phải hứng chịu thêm những hiểm họa nghiêm trọng liên quan đến bão trong tương lai do hậu quả của biến đổi khí hậu. Do đó, lập kế hoạch dài hạn để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khả năng chống chịu ở những vùng này là rất cần thiết” - ông Tam cho hay, đồng thời lưu ý rằng Việt Nam và khu vực miền Nam Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, đã hứng chịu những hậu quả khắc nghiệt nhất của bão.

Dự báo của nghiên cứu do Đại học Hong Kong dẫn đầu dựa trên kịch bản nóng lên toàn cầu phát thải cao “RCP8.5”, giả định rằng lượng khí thải nhà kính sẽ tăng trong suốt thế kỷ khi thế giới không đưa ra được một giải pháp hiệu quả và có sự phối hợp.

Một phân tích do Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) công bố vào năm 2014 cho thấy, theo mô hình RCP8.5, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu được dự báo sẽ tăng 3,7 độ C trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ này so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Một tập hợp các kịch bản khác được thông qua trong phân tích mới nhất vào tháng 8.2021 dự đoán nhiệt độ Trái Đất có thể tăng từ 2,7 đến 4,4 độ vào năm 2100.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, trong 5 thập kỷ qua, gió mạnh, mưa lớn và triều cường đã dẫn đến gần 780.000 người chết và thiệt hại kinh tế toàn cầu hơn 1,4 nghìn tỉ USD.

Mô hình nghiên cứu cho thấy, sự ấm lên của các đại dương do biến đổi khí hậu có thể làm tăng cường độ bão và kéo dài khoảng cách chúng di chuyển trong đất liền, với hậu quả tàn phá nặng nề hơn.

Châu Á gánh mùa bão 2021 khắc nghiệt hơn mọi năm

Các cơn bão với sức gió từ 63 km/h đến 250 km/h, kèm theo mưa và nước dâng do bão có thể tàn phá các vùng ven biển.

Theo tờ Japan Times, cơ sở dữ liệu thiên tai quốc tế EM-DAT cho thấy những cơn bão như vậy đã gây ra thiệt hại lên tới hơn 175 tỉ USD trên khắp châu Á trong thập kỷ qua.

Các nhà dự báo thời tiết tại Đại học Thành phố Hong Kong nhận định, 5 cơn bão dự kiến sẽ đổ bộ vào các khu vực miền đông Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), miền Nam Trung Quốc và Việt Nam, cùng Philippines. Trong khi đó Nhật Bản và Hàn Quốc có thể chỉ hứng chịu 2 cơn bão.

Tổng số 20 cơn bão vượt quá mức trung bình trong 30 năm của khu vực là 13,5 cơn trong các tháng từ tháng 4 đến tháng 9.

"Số lượng xoáy thuận nhiệt đới được dự đoán hình thành từ ngày 1.4 đến ngày 3.9 là gần trên mức bình thường" - Trung tâm Tác động Khí hậu Châu Á - Thái Bình Dương Guy Carpenter của Đại học Hong Kong cho biết thêm trong dự báo của mình.

Các nhà khoa học khí quyển cảnh báo, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang ngày càng khiến các cơn bão trở nên hung dữ hơn, ngay cả khi tổng số cơn bão được dự đoán sẽ giữ nguyên hoặc giảm trong tương lai.

Nhiệt độ bề mặt biển và không khí tăng cao là nguyên nhân khiến các cơn bão mạnh hơn, đi kèm sức gió lớn hơn và lượng mưa nhiều hơn. Với nhiệt độ cao hơn mức trung bình toàn cầu, Tây Thái Bình Dương hứng chịu nhiều bão hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Vào giữa tháng 4, Surigae, siêu bão đầu tiên của năm, đã tấn công Philippines, buộc hơn 100.000 người phải sơ tán.

Nhưng phần lớn các cơn bão phát triển sau tháng 7. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cũng dự báo một mùa bão Đại Tây Dương năm 2021 trên mức bình thường.

Trong tổng số 13 đến 20 cơn bão nhiệt đới vào năm 2021, dự báo sẽ có từ 3 đến 5 cơn bão lớn có sức gió lên đến ít nhất 178 km/h, trong khi 6 đến 10 cơn bão sẽ có tốc độ gió ít nhất 119 km/h.

Nguồn: kinhtemoitruong.vn

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: