Trong năm 2020, thiên tai gây hậu quả nặng nề cho một số tỉnh khu vực miền Trung.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Vỹ, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai (PCTT) miền Trung - Tây Nguyên cho biết, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, thiên tai xảy ra liên tiếp tại khu vực này với cường độ rất mạnh, phạm vi rộng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người.
Đặc biệt trong đợt mưa lũ liên tiếp tháng 10/2020, tại các tỉnh miền Trung xảy ra sạt lở đất, bùn đá với mức độ dị thường, khó dự đoán làm 111 người chết, mất tích; trong đó Quảng Trị (5 trận, 32 người chết, mất tích), Thừa Thiên - Huế (2 trận, 33 người chết, mất tích), Quảng Nam (7 trận, 46 người chết, mất tích), Quảng Ngãi xảy ra 4 trận nhưng không gây thiệt hại về người do làm tốt công tác sơ tán, di dời dân cư.
Nghiêm trọng nhất là những trận lũ, sạt lở đất xảy ra tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm 67 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị); các xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, Phước Kim, Phước Thành (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Phần lớn các trận lũ quét xảy ra ở khu vực miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt nhưng có những trận lũ quét xảy ra với sức tàn phá lớn, mang tính hủy diệt gây tổn thương rất lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân, đặc biệt là những hộ dân sống ở các thung lũng sông khi có lũ quét tràn qua.
Thống kê cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong nhiều năm qua. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” đã tác động, ảnh hưởng hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng ở tất cả các tuyến, từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi. Ngoài ra còn rất nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính, thiệt hại về kinh tế lên đến hơn 30.000 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Kim Sang (Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng có hai nguyên nhân cơ bản gây sạt lở đất. Đó là do tác động của hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng công trình làm tăng độ dốc sườn đồi núi khi thi công tác tuyến giao thông, kênh mương, đê đập, khai thác vật liệu xây dựng, khai thác rừng đầu nguồn và do tình hình địa chất, mưa lũ kéo dài, làm cho đất bị bão hòa nước, gây ra sự gia tăng áp lực thủy động của dòng ngầm…
Ngoài ra còn có tác nhân khiến sự hình thành quá trình sạt lở như địa hình và độ dốc sườn, thành phần đá gốc và vỏ phong hóa, lượng mưa, độ che phủ rừng và thảm thực vật… ở khu vực xảy ra trượt đất.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng nguyên nhân xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng thời gian vừa qua là do cường độ mưa lớn kéo dài tại khu vực đồi núi cao làm đất bão hòa nước, mất dần liên kết, cộng với địa hình với độ dốc lớn, địa chất phức tạp gây ra sạt lở.
Bên cạnh đó, do mưa lớn kéo theo đất đá bồi lấp các khe suối nhỏ, các cống qua đường gây tắc nghẽn dòng chảy kết hợp mưa lớn tập trung đã tạo những khối nước lớn dần trên lưu vực sông, suối và tới hạn nhất định sẽ tạo ra lũ ống, lũ quét đổ xuống hạ du.
Ông Thái Hoàng Vũ (UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) đánh giá các trận sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại lớn về người và nhà ở có điểm chung đều có vị trí nằm gần suối nhỏ (người dân hay gọi là suối cạn, mùa khô không có nước) nhưng là khu vực tụ thủy cho cả lưu vực khi mưa.
Trong khi đó, người dân địa phương thường chọn vị trí gần suối cạn hoặc vùng bằng phẳng dọc các sông suối để xây dựng nhà ở tập trung. Tại các vị trí này, nếu không may gặp nhiều yếu tố thiên tai kết hợp, lũ quét xảy ra như thời gian qua sẽ gây thiệt hại rất lớn.
Theo ông Vũ, các điểm sạt lở cách khu vực vùi lấp từ 200m trở lên và xảy ra vào thời điểm lượng mưa rất lớn. Sạt lở tác động vào dòng lũ quét tạo nên dòng chảy với bùn, đất, đá và cây cối. Loại này nguy hiểm hơn lũ quét và sạt lở đất thông thường bởi dòng chảy, hướng chảy thay đổi.
KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng, sạt lở đất liên quan đến cường độ mưa, dòng chảy, thảm thực vật… với tác động của con người. Chẳng hạn, việc xây dựng những công trình lớn như thủy điện trên lưu vực các con sông ở miền Trung dù muốn hay không cũng đã gây ảnh hưởng tới rừng, tới thảm thực vật, làm mất khả năng giữ nước. Vì vậy, khi triển khai dự án ở thượng nguồn, cần phải tính toán một cách tổng thể để có thể ứng phó hiệu quả hơn với tình trạng biến đổi khí hậu, qua đó giảm nhẹ thiên tai.
Ông Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho hay sau hội thảo theo chức năng và nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục cùng với các địa phương, vận dụng các kết quả nghiên cứu trong hội thảo, triển khai công tác phòng, chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.
“Tổng hội sẽ phối hợp với Bộ chuyên ngành xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để đầu tư các công trình hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai”, ông Dũng nói.
Tại hội thảo, ông Vỹ đề xuất giải pháp xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền. Nhà chức trách cũng cần xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư.
Đồng quan điểm, đại diện Sở NN&PTNT Quảng Nam đề xuất để giảm thiếu sạt lở, lũ quét ở miền núi cần nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch.
Một giải pháp khác là thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm tự động tại các khu vực được dự báo có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng, công cụ hỗ trợ trong ứng phó, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai.
Ông Lưu Đức Cường - Viện trưởng Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia - cho rằng để ứng phó lũ quét, sạt lở đất, giảm nhẹ rủi ro thiệt hại cần điều tra, khảo sát, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá. Hiện nay mới có bản đồ cảnh báo sạt ở tỷ lệ 1/50.0000 - đây chỉ là các cảnh báo cấp vĩ mô phục vụ phát triển quy mô vùng.
“Ở mức độ chi tiết, để quy hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng các khu dân cư cần có bản đồ cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, trượt lở đất làm cơ sở lựa chọn địa điểm khu đất xây dựng. Các đồ án quy hoạch cần xây dựng các bản đồ nguy cơ lũ quét, trượt lở đất tỷ lệ chi tiết từ 1/10.000 đến 1/5000”, ông Cường đề xuất.